Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện 'được học' của cô gái 17 tuổi chưa từng được đến trường

Hơn cả một câu chuyện về khát khao học tập, cuốn hồi ký "Được học" là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, một cô gái sinh ra và lớn lên ở miền Tây nước Mỹ.

Hành trình tiếp cận đến với nền giáo dục hiện đại của Tara Westover đã gây choáng ngợp và truyền cảm hứng cho hàng triệu người khắp thế giới, trong đó có cả tỷ phú Bill Gates thông qua cuốn hồi ký Được học của cô.

Gần hai thập kỷ sống trong mông muội và bị ngược đãi

Sinh ra ở núi Buck, bang Idaho, một nơi hẻo lánh ở miền Tây nước Mỹ, Tara Westover là con út của một gia đình có bảy anh chị em. Bố cô sở hữu một bãi phế liệu khổng lồ, và đây cũng chính là nguồn thu nhập chính của gia đình trong những năm đầu sinh sống trên núi.

Ngay từ nhỏ, tất cả anh em trong nhà đã phải phụ bố thu gom sắt ở bãi phế liệu, lao động cực nhọc từ sáng đến tối trong dầu mỡ, than bụi để kiếm sống qua ngày. Đông con, nghèo khổ, sống ở trên núi, đó vẫn chưa phải là tất cả những gì có thể nói về gia đình Westover.

review sach Duoc hoc anh 1

Cuốn sách Được học của Tara Westover. Ảnh: Ngọc Hiền.

Sự thật là họ sống cực đoan với sự cuồng tín tôn giáo của mình, bài trừ chính phủ và sống xa cách với mọi người. Đó là lý do mà họ tin vào việc sinh sống tự cung tự cấp, kể cả với bệnh tật, chữa bệnh bằng các loại thảo dược tự nghiên cứu.

Đó cũng là lý do hơn nửa đứa trẻ nhà Westover không có giấy khai sinh, không có bất cứ loại bảo hiểm nào, hay nói cách khác, trên giấy tờ chúng thậm chí còn không hề tồn tại. Và đó cũng là lý do mà không ai trong số bảy anh chị em của Tara được đi học.

Đến tận khi 15 tuổi, mong muốn được đi học mới bắt đầu nhen nhóm trong Tara khi cô chứng kiến người anh Tyler quyết từ bỏ gia đình để đi học. Để có thể được nhận tại trường đại học, Tara phải vượt qua số điểm 27, một con số trở nên quá xa xỉ với cô. Bởi Tara không biết chút gì về lượng giác hay đại số. Cô thậm chí còn không biết phiếu thi trắc nghiệm là gì. Nhưng cô biết, mình muốn đi học.

Nếu như khó khăn về mặt kiến thức đối với Tara cản trở cô đến với trường học một phần thì việc ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần chiếm mười phần. Ngày ngày lao động vất vả đã khiến cô kiệt sức và không có thời gian học, nhưng chính cha và anh trai Shawn của cô mới là nguyên nhân khiến Tara chùn bước.

Đối với họ, phụ nữ như cô không có quyền hành gì, ngu dốt và kém cỏi. Tara bị sỉ nhục, bị lăng mạ nhưng không có ai đứng lên bảo vệ cô. Tất cả đều chỉ muốn cô ở lại núi Buck, sống trong mông muội và làm đúng bổn phận của phụ nữ là sinh đẻ và đứng bếp, thay vì đến trường đi học.

Sau nhiều năm kể cả khi đã được đi học, Tara Westover nhận ra rằng, giữa gia đình và việc học, cô chỉ có thể chọn một. Và cô đã chọn vế thứ hai.

Khát khao được học

Vì chưa từng được đi học phổ thông trước đây, mọi thứ ở trường đại học trở nên quá mới mẻ với Tara. Chính khoảnh khắc không biết từ Holocaust - Diệt chủng là gì đã khiến Tara bắt đầu tò mò và muốn tìm hiểu về lịch sử.

Từ việc không biết đến cả cách đọc một cuốn sách giáo khoa, Tara đã trở thành một con mọt sách chính hiệu, tìm đọc hết tất cả những tài liệu để bù đắp cho sự thiếu hụt kiến thức của mình suốt nhiều năm.

Nhưng những ám ảnh về sự ngược đãi vẫn luôn đeo bám cô trong nhiều năm trời, khiến cô không tin rằng mình thực sự có thể học, có quyền bình đẳng như bất cứ sinh viên nào khác cũng như không tin rằng mình có thể làm tốt.

Thậm chí cô còn nhận ra một sự thật phũ phàng hơn rằng, dù có cố gắng đến đâu đi chăng nữa, cô cũng không có tiền để tiếp tục học. Với tư tưởng bài trừ chính phủ đã ăn sâu vào trong tiềm thức, Tara không biết và cũng không muốn xin trợ cấp để đi học, trước khi cô bị dồn đến đường cùng.

Việc giành được học bổng sang học cao hơn tại Cambridge giống như một giấc mơ đối với Tara. 10 năm sau ngày đầu tiên được đi học ở tuổi 17, Tara Westover đã giành được học vị Tiến sĩ ngành Sử học tại trường Đại học Cambridge danh tiếng. Từ một đứa không được tiếp cận giáo dục thuở nhỏ, cô đã chạm tới một trong những vị trí cao quý nhất của giới học thuật thế giới.

review sach Duoc hoc anh 2

Tara Westover bên cạnh tỷ phú Bill Gates, người rất yêu thích cuốn sách Được học của cô. Ảnh: Gates Notes.

Xuyên suốt cuốn hồi ký Được học, Tara chưa bao giờ tự khen mình là người thông minh hay tài giỏi. Với cô, những thành tựu quan trọng là nhờ sự kiên trì, bền bỉ và quan trọng là tin tưởng vào chính bản thân mình.

Hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập, Được học là hành trình đi tìm bản ngã của Tara, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được.

Với một câu chuyện phi thường, không quá khó hiểu khi Được học được đánh giá là cuốn sách hay nhất năm 2018 tại Mỹ. Tác phẩm duy trì trong danh sách bán chạy của New York Times suốt hai năm liền, được dịch ra 45 thứ tiếng và bán được hơn 4 triệu bản.

Cuốn hồi ký mở ra một góc nhìn hoàn toàn mới về nước Mỹ, soi rõ những ảo mộng về một đất nước tưởng chừng như rất văn minh nhưng hóa ra lại chứa nhiều vấn đề về tư tưởng cũng như giáo dục.

Suy cho cùng, cho dù bạn ở bất cứ nơi đâu, có điều kiện như thế nào, chỉ cần bạn nỗ lực và tin tưởng bản thân thì sẽ có thể bước tiếp trên con đường tri thức. Đó chính là khát khao được học của con người.

'Tôi phải học tiếp'

Tara Westover nhận ra mình nghèo đến nỗi không có tiền mua sách giáo khoa cho kỳ học mới. Cô không biết rằng mình có thể xin trợ cấp từ chính phủ để tiếp tục học.

'Em là học giả, em là vàng ròng'

Đã quen với bất hạnh nên dù được khen ngợi, Tara Westover vẫn không tin. Cô sẵn sàng đón nhận những lời chê bai rằng mình là người dốt, không thể học.

Thiên Ái

Bạn có thể quan tâm