“Trường hợp của Nguyễn Hà Đông cũng giống như trường hợp một người đưa những bức ảnh, video clip lên mạng và nhận được sự quan tâm của hàng chục triệu người. Họ sẽ có cơ hội ký các hợp đồng quảng cáo từ các nhà tài trợ với số tiền rất lớn. Đó không thể gọi là kinh doanh được”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO nhấn mạnh.
Cha đẻ Flappy Bird và nỗi lo...
Dư luận gần đây đang lo ngại về việc đến ngày 1/7 tới, Nguyễn Hà Đông, chàng trai sáng tạo ra trò chơi Flappy Bird với doanh thu kiếm được có thể lên tới 50.000 USD mỗi ngày, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do kinh doanh không phép theo điều 292 Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2015.
Theo đó, điều 292 mới được đưa vào Bộ luật Hình sự năm 2015 hình sự hóa những hành vi cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông nhằm quản lý hành chính về các hoạt động này. Việc cung cấp dịch vụ trò chơi nếu nhằm mục đích thu lợi từ 50 triệu đồng trở lên, hoặc có doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên mà không có giấy phép thì bị xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Cha đẻ Flappy Bird Nguyễn Hà Đông. |
Trao đổi với BizLIVE về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO khẳng định, trường hợp của Nguyễn Hà Đông không thể gọi là kinh doanh trái phép được.
Theo ông Đức, bản chất của việc viết phần mềm trò chơi điện tử là hợp pháp, hợp lệ. Bản chất của việc đưa lên các trang mạng, để các nhà mạng khai thác cũng là hợp lệ. Trường hợp này không phải kinh doanh, mua bán sản phẩm hàng hóa.
“Trường hợp của Nguyễn Hà Đông cũng giống như trường hợp một người đưa những bức ảnh, video clip lên mạng và nhận được sự quan tâm của hàng chục triệu người. Khi được nhiều người biết đến, người đó sẽ có cơ hội ký các hợp đồng quảng cáo từ các nhà tài trợ với số tiền rất lớn. Đấy không thể gọi là kinh doanh được”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Ông Đức cũng lấy ví dụ, giống như các cầu thủ bóng đá nổi tiếng, họ có thể ký hợp đồng quảng cáo vài triệu đô la Mỹ, mặc dù là số tiền rất lớn nhưng không thể gọi là kinh doanh được. Chỉ có điều những người đó phải đóng thuế thu nhập, nếu không nộp thì sẽ bị xử lý theo tội trốn thuế.
Tăng mức xử phạt là hợp lý
Trước lo ngại về việc mức độ hình phạt của tội "kinh doanh trái phép" trong điều 292 Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2015 ngày càng tăng, thay vì 2 năm như trước đã lên tới 5 năm, cùng với đó bị cấm hành nghề, bị tịch thu toàn bộ tài sản là quá nặng, luật sư Trương Thanh Đức lý giải, là do tính chất của hoạt động kinh doanh trái phép ngày càng nghiêm trọng.
“Tính chất của hoạt động kinh doanh trái phép ngày càng ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều hệ thống. Cho nên mức nghiêm trọng nhất, 5 năm thay vì 2 năm như trước, tôi cho rằng là mức hợp lý. Tuy nhiên, quan trọng là quy định này cần hướng dẫn và thống nhất chung, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng mỗi người hiểu một cách.
Giống như vụ cà phê Xin chào, cũng có cơ sở nhất định chứ không phải hoàn toàn không có cơ sở nhưng việc xử phạt nặng nhẹ lại tùy ở từng nơi, cho nên cần những hướng dẫn cụ thể để thống nhất cách xử lý”, ông Đức chỉ ra.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng bày tỏ quan điểm về việc dư luận không nên quá lo ngại khi một luật mới ra đời. Bởi vì việc xử lý phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như văn bản, nghị quyết hướng dẫn của tòa án tối cao, rồi quá trình áp dụng nhận thức pháp luật,…
“Không phải đơn thuần mỗi điều 292 mà định tội được ngay mà phải xem xét trên nhiều yếu tố khác. Ví như tội trốn thuế, rất nhiều người trốn thuế nhưng chỉ có một số người bị xử phạt với mức độ khác nhau, cho nên cần phải nhìn nhận thấu đáo vấn đề”, luật sư Trương Thanh Đức kết luận.