Với hơn 91% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động sáng 14/6. Luật gồm 5 chương, 33 điều và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết một số ý kiến đại biểu nêu trong quá trình thảo luận đã được tiếp thu.
Ông Cường dẫn chứng Điều 13 quy định việc vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân. Theo đó, có một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cảnh sát cơ động được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thực hiện một số nhiệm vụ và ngăn chặn, trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Lực lượng cảnh sát cơ động trong một buổi diễn tập phương án bảo vệ bầu cử. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau và thuộc trách nhiệm của nhiều lực lượng.
Với hành vi vi phạm pháp luật khác do lực lượng khác chủ trì, cảnh sát cơ động có trách nhiệm phối hợp xử lý. Trường hợp cảnh sát cơ động vào trụ sở cơ quan, tổ chức hoặc nơi ở của cá nhân để ngăn chặn, trấn áp hành vi vi phạm pháp luật sẽ thực hiện theo đề nghị của lực lượng đang chủ trì theo quy định pháp luật.
Do vậy, để rõ ràng hơn về phạm vi và mục đích vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “để chống khủng bố, giải cứu con tin” ở tên điều như dự thảo luật.
Theo đó, Điều 13 dự thảo Luật trình Quốc hội nêu rõ quy định "vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin".
Khoản 1 điều này quy định việc vào trụ sở của cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố.
Liên quan đến quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, một số ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tế khi triển khai phương án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát cơ động luôn bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể phát sinh tình huống ngoài dự kiến mà cấp bách, cần thiết phải huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Do đó, nếu quy định cụ thể “trường hợp cấp bách” trong dự thảo luật sẽ khó bao quát hết tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với hướng trong nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thông thường, cảnh sát cơ động không có quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự.
Thay vào đó, quyền này chỉ áp dụng trong trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm ngay tức khắc đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mà cảnh sát cơ động không đủ điều kiện ngăn chặn, xử lý, nếu không huy động thì nguy cơ xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, cho xã hội.
Ngoài ra, luật cũng quy định cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.