Năm 19 tuổi, Pak Sool lần đầu bước những bậc cầu thang xuống tàu điện ngầm, để rồi nhìn chằm chằm vào bản đồ chằng chịt của hệ thống giao thông và bỏ cuộc trong căng thẳng và xấu hổ.
Đó là một trong nhiều khoảnh khắc khiến thanh niên Triều Tiên bối rối kể từ khi đến miền Nam. Mua sắm, sử dụng máy rút tiền hay thậm chí hiểu được phương ngữ Hàn Quốc với đầy những từ lóng tiếng Anh cũng là những thách thức to lớn.
"Những gì tôi thấy khi đến Hàn Quốc là quá sức choáng ngợp", Guardian dẫn lời Pak, người đã đến Seoul vào cuối năm 2016. "Triều Tiên và Hàn Quốc hoàn toàn khác nhau. Tôi không biết thẻ tín dụng là gì, mà thứ đó thì được sử dụng hàng ngày ở đây".
Học viên của trường trong buổi lễ tốt nghiệp hồi tháng 1. Ảnh: Trường Yeomyung. |
Pak theo chân những tay môi giới từ Triều Tiên qua Trung Quốc và tới nơi an toàn ở Thái Lan. Ở đó anh lần đầu tiên biết về sự tồn tại của Internet và được cho xem phim truyền hình Hàn Quốc. Những bộ phim cho Pak cái nhìn đầu tiên về một xã hội Hàn Quốc khác với xã hội của mình, và Pak ngay lập tức bị thu hút.
"Tôi đi từ việc chỉ có thể nhìn thấy một phần nhỏ hẹp của thế giới, rồi đột nhiên tôi thấy mọi thứ", Pak chia sẻ. "Điều đó thật choáng váng".
Pak là một trong hơn 100 học viên Triều Tiên tại trường Yeomyung ở Seoul. Ngôi trường được thiết kế để dạy những người mới đến với xã hội Hàn Quốc. Sứ mệnh của trường là giáo dục về hòa nhập, nhưng người ta cũng mang hy vọng những học viên này sẽ đi đầu trong công cuộc thống nhất giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc gặp gần đây giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In khiến khắp Hàn Quốc tràn ngập háo hức và hạnh phúc, sau khi hai nhà lãnh đạo tuyên bố họ sẽ làm việc hướng tới "hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo". Mọi kế hoạch còn chưa rõ ràng, nhưng căng thẳng dịu đi đã làm dấy lên hy vọng mới nơi các học viên và giáo viên. Họ không thể tưởng tượng được viễn cảnh này chỉ vài tháng trước.
"Chúng tôi muốn trở thành một mô hình cho giáo dục của người Triều Tiên sau khi thống nhất", Lee Hung Hoon, hiệu trưởng của trường nói. "Chúng tôi cũng muốn học viên của chúng tôi trở thành một lực lượng cho sự thống nhất, tích cực tham gia vào phong trào và truyền bá những thông điệp".
Trường Yeomyung được thành lập từ năm 2004. Ảnh: Korea Herald. |
Hoạt động với mục đích tốt, nhưng ngôi trường cũng cho thấy hố sâu ngăn cách vẫn còn tồn tại giữa các công dân bình thường của miền Bắc và miền Nam bán đảo Triều Tiên. Họ đã bị tách khỏi nhau trong hơn sáu thập kỷ.
Trường Yeomyung được bao phủ trong các áp phích mang nội dung là những bài thơ về sự thống nhất cũng như các trích dẫn tôn giáo. Nhà trường được tài trợ chủ yếu bởi quỹ quyên góp từ các nhóm theo Thiên Chúa giáo. Tất cả các giáo viên đều theo đạo Thiên Chúa, dù giáo trình không tập trung vào tôn giáo.
Khoảng cách lớn về kinh tế giữa hai nước láng giềng cũng được thể hiện trong lớp học. Một số sinh viên buộc phải bỏ học và tìm việc làm để gửi tiền về cho gia đình ở Triều Tiên hoặc đóng góp cho hành trình đến Hàn Quốc của các thành viên trong gia đình.
"Việc tới từ Triều Tiên khiến họ bị cô lập ở đây", hiệu trưởng Lee nói. "Người Hàn Quốc thường vô tình xúc phạm họ vì thiếu hiểu biết về Triều Tiên và thiếu suy xét".
Tuy vậy, Pak Sool tin rằng thống nhất sẽ đến. Anh hy vọng sẽ trở thành một bác sĩ và khi biên giới mở cửa, Pak có kế hoạch trở về quê nhà gần biên giới với Trung Quốc.
"Hệ thống y tế của Triều Tiên không tốt và không có bác sĩ giỏi", Pak nói. "Đến ngày thống nhất, tôi hy vọng có thể quay trở lại và giúp đỡ những người ở đó".