Cả nước có khoảng 7 nhà máy nhiên liệu sinh học, nhưng phần lớn đã phải tạm dừng sản xuất vì không có thị trường tiêu thụ trong đó bao gồm cả 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học thua lỗ của Bộ Công Thương.
Cả nước chỉ có 2 nhà máy sản xuất E100
Theo ông Vũ Kiên Chỉnh, Phó chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam, việc cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn lượng xăng sinh học E5 cả nước hiện nay chủ yếu từ 2 nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Đồng Nai (sản lượng 6.000 m3/tháng) và Ethanol Quảng Nam (sản lượng 10.000 m3/tháng). Ông Chỉnh cũng là Tổng giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm, đơn vị sản xuất Ethanol.
Tổng sản lượng cung cấp ethanol nhiên liệu khoảng 200.000 m3/năm, tương đương khoảng 200 triệu lít, đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 (tương đương 3 triệu tấn) xăng sinh học E5 mỗi năm.
Riêng trong năm 2016 vừa qua, Công ty TNHH Tùng Lâm của ông Chỉnh đã bán ra thị trường khoảng trên 2.000 m3/tháng.
Công ty TNHH Tùng Lâm thành lập từ năm 1994 là một đơn vị thương mại đơn thuần ban đầu kinh doanh trong nhiều ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và trà…
Tuy nhiên năm 2007, Công ty Tùng Lâm bắt đầu đầu tư nhà máy sản xuất Ethanol từ nguyên liệu sắn nhằm phục vụ chỉ định pha xăng E5 của chính phủ. Nhà máy đầu tiên của Tùng Lâm đặt tại Biên Hòa, Đồng Nai, với công suất 72.000 m3/năm.
Ngoài ra, còn có 2 nhà máy đang chuẩn bị sản xuất trở lại là Ethanol Bình Phước (dự kiến 15/1/2018 vận hành) và Ethanol Dung Quất (dự kiến tháng 3/2018 vận hành). Dự kiến, đến giữa tháng 1/2018, với 3 nhà máy hoạt động sản xuất Ethanol nhiên liệu, lượng E100 sản xuất mỗi tháng sẽ vào khoảng 20.000-25.000 m3.
Hai nhà máy đắp chiếu được tái khởi động
Hai nhà máy đang chuẩn bị được sản xuất trở lại nằm trong 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương bao gồm nhà máy Ethanol Dung Quất (Quãng Ngãi) do CTCP Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) vận hành và nhà máy Ethanol Bình Phước do Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) vận hành.
Nhà máy Ethanol Bình Phước có công suất thiết kế lên tới 100 triệu lít/năm, tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô/năm. Ảnh: Licogi 16. |
Cả 2 nhà máy này đều có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng khi đưa vào hoạt động đều trong tình trạng “sống dở chết dở”, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, buộc phải “đắp chiếu”, thua lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể, nhà máy Ethanol Bình Phước có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, nhưng đã bị đội vốn lên hơn 1.700 tỷ đồng. Từ tháng 4/2013, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, dự tính mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỷ đồng do hao mòn máy móc và trả lãi vay.
PVOil và Licogi 16 đang là hai trong 3 cổ đông lớn nhất của Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF) chủ sở hữu nhà máy Ethanol Bình Phước.
Theo đó, OBF được thành lập từ năm 2009 với PVOil góp 51% vốn và Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản góp 49% vốn. Năm 2010, sau khi dự án vừa hoàn thành nghiên cứu khả thi, Licogi 16 đã mua lại 22% cổ phần từ PVOil.
Tính đến năm 2012, Licogi 16 đã góp tổng cộng 116,5 tỷ đồng trên 123,5 tỷ đồng (tương ứng 22% vốn góp) cam kết. Số vốn còn lại, Licogi cho biết sẽ góp phần vốn còn lại chậm nhất vào ngày 15/05/2018. Tuy nhiên, việc nhà máy ngừng hoạt động đã buộc Licogi 16 phải trích lập dự phòng cho dự án này 123,5 tỷ đồng.
Hiện tại, ngoài Licogi 16 nắm giữ 22% vốn OBF, PVOil nắm giữ 29% vốn,thì 49% vốn còn lại đang do Công ty Toyo Thai New Energy (TTNE), một thành viên của Công ty TNHH Public Toyo Thai (TTCL) sở hữu do đã nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn từ Tập đoàn ITOCHU của Nhật Bản vào tháng 9/2014.
Được biết, sau khi nhà máy quay trở lại hoạt động vào đầu năm 2018, PVOil và các cổ đông khác sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn lưu động phục vụ sản xuất cho OBF, tương đương 91,3 tỷ đồng bằng cách ứng trước tiền mua sản phẩm E100 và làm việc với nhà cung cấp để ứng trước nguyên liệu sắn lát.
Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất sắp được tái khởi động sau chuỗi ngày "đắp chiếu u ám". Ảnh: Vũ Trung. |
Trong khi đó, tại dự án sắp được vận hành trở lại khác là nhà máy Ethanol Dung Quất, dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 1.800 tỷ đồng, nhưng đã tăng vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, riêng năm 2014, dự án này lỗ khoảng 164 tỷ đồng.
Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất do BSR- BF khai thác, vận hành với vốn đầu tư 2.219 tỷ đồng, hiện phải tạm ngừng hoạt động.
Ông Phạm Văn Vượng- Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung, từng nói với Zing.vn nguyên nhân thua lỗ là do giá bán Ethanol trên thị trường thấp hơn 2.000 đồng mỗi lít so với giá thành sản xuất. Nhà máy hoạt động cầm chừng dẫn đến chi phí tiêu hao nguyên liệu càng tăng.
Mới đây, nhằm thực hiện lộ trình thay thế 100% xăng RON92 bằng xăng sinh học E5 trên toàn quốc từ 1/1/2018, cơ quan quản lý đang tính đến việc khôi phục Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất, một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương, vào quý 1/2018.