Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trước điện thoại và TV, Vingroup từng buông những mảng nào?

Trước khi dừng sản xuất điện thoại, TV để dồn lực phát triển ôtô, Vingroup từng thoái lui ở nhiều lĩnh vực như hàng không, bán lẻ, nông nghiệp, tài chính, chứng khoán, thời trang…

Truoc dien thoai,  TV,  Vingroup tung buong nhung mang nao? anh 1

Tháng 12/2019, hai công ty trong lĩnh vực bán lẻ gồm VinCommerce và VinEco được Tập đoàn Vingroup sáp nhập vào Tập đoàn Masan. Lãnh đạo Vingroup lý giải là để dồn lực cho hoạt động sản xuất công nghiệp và công nghệ với sản phẩm ôtô và điện thoại.

Hơn 1 năm sau, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thông báo VinSmart sẽ đóng mảng tivi, điện thoại di động để tập trung phát triển công nghệ cao cho VinFast. Quyết định này khiến danh sách những lĩnh vực mà Vingroup từng buông bỏ thêm dài.

Trước đó, doanh nghiệp đa ngành lớn nhất Việt Nam này cũng từng thoái lui ở nhiều lĩnh vực như hàng không, tài chính, nông nghiệp, chứng khoán, bán lẻ, thời trang…

Tham vọng làm chủ bầu trời “chưa kịp cất cánh”

Hồi tháng 7/2019, thông tin doanh nghiệp có tên Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air xuất hiện trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Rồi Vingroup tuyên bố tham vọng lớn trong lĩnh vực hàng không khi dự tính chi ra 4.700 tỷ đồng vốn đầu tư cho Vinpearl Air, riêng vốn chủ sở hữu đã là 1.300 tỷ đồng.

Vinpearl Air cho biết sẽ đặt trụ sở tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nêu rõ thời điểm cất cánh dự kiến là tháng 7/2020 nếu được phê duyệt. Lượng máy bay khai thác trong năm đầu là 6 chiếc thân hẹp loại 150-220 ghế. Trung bình hàng năm sẽ đưa vào khai thác thêm 6 máy bay và đến năm 2024 đạt 30 chiếc.

Truoc dien thoai,  TV,  Vingroup tung buong nhung mang nao? anh 2

Vingroup thậm chí còn mở trường đào tạo phi công chuyên nghiệp. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Trong 5 năm đầu hoạt động, Vinpearl Air sẽ tập trung duy trì số chuyến khai thác tại Nội Bài luôn trên mức 30% tổng số chuyến của hãng. Tại Tân Sơn Nhất, hãng sẽ khai thác 21 chuyến/tuần trong năm đầu tiên (chiếm 14,3%) và 112 chuyến/tuần trong năm thứ 5 (19,7%).

Trong năm đầu, dự án không lập kế hoạch khai thác đường bay quốc tế. Đến năm thứ hai (năm 2021), Vinpearl Air sẽ khai thác 32 chuyến quốc tế/tuần. Dự kiến đến năm 2025, Vinpearl Air khai thác 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế.

Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng công bố và chưa đi vào vận hành, tập đoàn này đã phải thoái lui với lý do "tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp". Cụ thể, ngày 14/1/2020, Vingroup đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải xin chấm dứt dự án Vinpearl Air.

Tập đoàn tài chính Vincom không thành

Trong những tháng ngày rực rỡ của thị trường chứng khoán Việt Nam (giai đoạn 2007-2008), khi VN-Index tăng liên tục vượt ngưỡng 1.000 điểm, Vingroup đặt tham vọng gia nhập thị trường với Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG). Doanh nghiệp sẽ kinh doanh trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ.

Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thậm chí đã chuẩn bị đầy đủ về nhân sự cho công ty tài chính này, là những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính của Mỹ lan rộng và ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán Việt vào cuối năm 2008, đầu năm 2009.

Chỉ trong vài tháng, VN-Index rơi từ vừng 1.200 điểm xuống còn hơn 300 điểm vào tháng 3/2009, giảm gần 4 lần giá trị. Thị trường ngân hàng cũng chứng kiến những biến động lãi suất rất lớn, năm 2008, chính sách thắt chặt tiền tệ của cơ quan quản lý gắn liền với sự căng thẳng về thanh khoản của các ngân hàng thương mại.

Truoc dien thoai,  TV,  Vingroup tung buong nhung mang nao? anh 3

Vingroup từng vận hành công ty chứng khoán VincomSC trong khoảng 4 năm trước khi thoái vốn. Ảnh: D.C.

Cụ thể, lãi suất huy động VND có kỳ biến động mạnh nhất, vào giữa năm 2008, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên tới 43%/năm, lãi huy động từ người dân xấp xỉ 19-20%/năm, lãi suất cho vay tối đa 21%/năm.

Đối mặt với nhiều diễn biến tiêu cực, Vingroup đã phải tuyên bố hủy kế hoạch tham gia vào mảng tài chính. Lĩnh vực liên quan duy nhất tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tham gia khi đó là chứng khoán với Công ty Chứng khoán VincomSC (VIX) thành lập từ 2007.

Dẫu vậy, sau 2 năm vận hành, Vingroup đã phải thoái vốn khỏi VincomSC vào năm 2011. Lãnh đạo Vingroup cho biết lý do rút lui khỏi lĩnh vực chứng khoán do công ty hoạt động không tốt, liên tục không đạt chỉ tiêu và kế hoạch đặt ra. Việc thoái vốn khỏi VincomSC cũng chính thức kết thúc tham vọng của tập đoàn này trong lĩnh vực tài chính.

Chia tay mảng bán lẻ

Từng tuyên bố mở 300 siêu thị VinMart và gần 10.000 cửa hàng VinMart+ đến năm 2025, tuy nhiên, tham vọng này của Vingroup đã phải đổi hướng khi tập đoàn đạt thỏa thuận sáp nhập hai chuỗi siêu thị này về Tập đoàn Masan và không còn nắm quyền kiểm soát vào cuối năm 2019.

Vingroup khởi động mảng bán lẻ từ năm 2013 với việc thành lập VinMart và VinMart+. Đến tháng 10/2014, tập đoàn này mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail (chủ sở hữu chuỗi siêu thị Ocean Mart) và đổi tên thành Công ty Cổ phần Siêu thị VinMart.

Thực tế, bán lẻ sau đó nhanh chóng trở thành nguồn thu lớn thứ hai sau bất động sản của Vingroup từ năm 2015 khi đóng góp gần 13% tổng doanh thu hợp nhất. Tuy nhiên, mảng này của Vingroup thường xuyên báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng trước thuế dù doanh thu luôn xấp xỉ 1 tỷ USD/năm.

Vào năm 2019, với 3.022 điểm bán lẻ, chuỗi VinMart và VinMart+ đã mang về cho tập đoàn khoản 26.000 tỷ doanh thu. Dẫu vậy, mảng này lại lỗ EBITDA hơn 2.100 tỷ đồng.

Truoc dien thoai,  TV,  Vingroup tung buong nhung mang nao? anh 4

Gần đây, Vingroup đang muốn rút lui hoàn toàn khỏi chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+. Ảnh: Việt Đức.

Và Vingroup đã quyết định thoái lui khỏi bán lẻ sau hơn 6 năm đầu tư. Không chỉ vậy, thương vụ sáp nhập với Masan cũng chuyển giao mảng nông nghiệp công nghệ cao tại VinEco.

Cùng với đó, Vingroup tuyên bố giải thể VinPro và sáp nhập Adayroi về VinID. Thời điểm tập đoàn mở rộng đầu tư bán lẻ, VinPro cũng được đổ hàng nghìn tỷ để mở rộng và cạnh tranh thị phần với hai đối thủ lớn nhất Thế giới Di động và Nguyễn Kim.

Trước đó, Vingroup cũng từng mở ra nhiều dự án kinh doanh khác như VinDS, Vinlinks, VinExpress, VinFashion... nhưng đều sớm phải rút lui không lâu sau đó. Đơn cử như VinFashion được thành lập từ năm 2014 thì sau một năm đã thoái lui. Tương tự là Vinlinks, VinExpress.

VinSmart dừng sản xuất điện thoại, TV

Tập đoàn Vingroup tuyên bố VinSmart sẽ đóng mảng tivi, điện thoại di động để tập trung phát triển công nghệ cao cho VinFast.

Tập đoàn bất động sản nào lãi lớn nhất trong quý I?

Quý I, Vinhomes và Vingroup dẫn đầu danh sách các nhà phát triển bất động sản lãi nhất cả nước. Novaland vươn lên vị trí thứ 3 với lợi nhuận trước thuế vượt 1.000 tỷ đồng.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm