Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung tâm hành chính nghìn tỷ: Lãng phí không chỉ ở Đà Nẵng

GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng việc xây những trung tâm hành chính nghìn tỷ nhưng kém hiệu quả không chỉ là câu chuyện của riêng Đà Nẵng mà còn lan ra rất nhiều tỉnh thành khác.

Ngay từ khi Trung tâm hành chính Đà Nẵng mới đưa vào sử dụng, GS.KTS Hoàng Đạo Kính là một trong những người nêu ra cảnh tỉnh về những hệ luỵ của toà nhà này. Trao đổi với Zing.vn, GS.KTS Hoàng Đạo Kính nói:

Quan điểm của cá nhân tôi không đồng ý với mô hình trung tâm hành chính như hiện nay. Ở các nước có truyền thống về quản lý đất nước và pháp quyền, công trình kiến trúc của các cơ quan lập pháp bao giờ cũng rất đường bệ, hoành tráng và nằm ở vị trí đặc biệt. Đó là những kiến trúc bền vững, tiêu biểu, đôi khi trở thành biểu tượng như Toà Quốc hội Hoa Kỳ.

Còn các công trình của các cơ quan hành pháp thì khiêm tốn hơn nhiều, bởi vì đó là nơi thực hiện công vụ. Người ta ít khi làm hoành tráng, đồ sộ, to lớn, tập trung.

Nhà bằng kính đã trở thành dĩ vãng của kiến trúc

- Đánh giá của cá nhân ông về kiến trúc của Trung tâm hành chính Đà Nẵng thế nào?

- Về mặt kiến trúc, xây dựng một toà nhà lớn để thay thế cho các toà nhà cũ nhưng vẫn còn giá trị sử dụng là hết sức tốn kém. Không chỉ Đà Nẵng mà Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương... và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước đã xây dựng những toà nhà công quyền hoành tráng như vậy. Theo tôi, có ba điểm rất phản cảm.

Di doi Trung tam hanh chinh Da Nang anh 1
Những toà nhà bằng kính đã trở nên lỗi thời với xu hướng kiến trúc xanh hiện nay. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Thứ nhất, toà nhà được thiết kế theo hình tròn, thang máy nằm ở trung tâm, người ta sẽ phải di chuyển vòng quanh cái khối đó. Điều này rất không thuận tiện khi làm việc.

Thứ hai, thiết kế một chiếc hộp kính như vậy, trong bất cứ điều kiện nào cũng đều bất tiện. Vì nó tiêu tốn rất nhiều điện năng để chống bức xạ mặt trời, chống nóng... Toà nhà này hoàn toàn không phù hợp với điều kiện khí hậu ở Đà Nẵng.

Thứ ba, kiến trúc của một cơ quan công vụ phải đàng hoàng, nghiêm túc. Nhưng thiết kế này không phù hợp với cơ quan nhà nước, người nói quả xoài, người nói trái bắp. Không ai nghĩ đó là công sở cả. Lẽ ra, nên tập trung trong một công sở có kiến trúc bình thường, với ban công, các khoảng cây xanh, khoảng không để thở. Đằng này đưa tất cả vào không gian bít bùng bằng kính.

- Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều người cho rằng những toà nhà hiện đại phải thật cao và được làm bằng vật liệu kính?

- Thực tế, nhà kính đã là câu chuyện ngày hôm qua của kiến trúc rồi. Trên thế giới, mốt thời thượng ấy đã qua rồi. Nhưng ở Việt Nam bây giờ, ai cũng làm nhà kính và cho rằng như vậy mới thời thượng, hiện đại, tân tiến. Thực tế, đó là một giải pháp đã rơi vào dĩ vãng, hết sức tốn kém, tốn năng lượng, phản lại quan niệm về kiến trúc xanh ngày hôm nay, tách con người ra khỏi môi trường.

Đà Nẵng là thành phố biển đẹp. Tại sao phải tạo ra một không gian cách biệt như thế? Cách biệt với con người và cách biệt với thiên nhiên. Đáng ra, người ta phải xây dựng những công sở cởi mở, gần với người dân hơn, mới thể hiện được giá trị dân chủ mà chúng ta đang hướng đến.

Sự tương phản với đời sống đô thị

- Không chỉ Đà Nẵng, hàng loạt các tỉnh thành trong cả nước, kể cả tỉnh nghèo cũng đang hào hứng với mô hình trung tâm hành chính tập trung. Quan điểm của ông như thế nào?

- Hiện nay rất nhiều tỉnh thành đang muốn làm, và tôi phải nói rằng nó rất tốn kém. Nếu mỗi công trình tiêu tốn vài nghìn tỷ thì với 63 tỉnh thành, ngân sách nhà nước sẽ mất mấy trăm nghìn tỷ.

Di doi Trung tam hanh chinh Da Nang anh 2
GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, sự tốn kém và lãng phí trong xây dựng các trung tâm hành chính đang lây lan khắp nhiều tỉnh thành. Ảnh: Lê Việt Hà.

Cho đến nay, chưa ai thống kê các công trình xây dựng trung tâm hành chính của các tỉnh thành, tốn bao nhiêu tiền, rút kinh nghiệm cái được và không được ra sao. Thực trạng các công trình kiến trúc đang được làm trụ sở của các cơ quan công quyền, xuống cấp đến đâu.

Bà Rịa - Vũng Tàu làm trung tâm hành chính cả một khu. Tôi tham gia hội đồng khoa học và đã từng có ý kiến nó quá đồ sộ. Đà Lạt lại tạo ra một trung tâm hành chính mà từ núi đồi nào nhìn xuống cũng đều thấy. Đà Lạt là thành phố đẹp, kiến trúc đẹp như thế, mà đẻ ra một khối nhà to đùng, to đoàng như vậy? Đó còn chưa kể đến những toà nhà của Bình Dương hay các tỉnh nghèo khó như Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên...

- Vậy theo ông, trong tình huống hiện tại, Đà Nẵng và những tỉnh thành khác nên làm thế nào?

- Phải dứt khoát bỏ tư duy tập trung tất cả vào một nơi. Bây giờ các cơ quan nhà nước đang tiến tới giảm biên chế mạnh mẽ. Ở Đà Nẵng sắp tới sẽ không phải là 1.400 công chức nữa mà sẽ là 700 hoặc 800 công chức. Vậy toà rộng lớn như thế thừa thãi, dùng hết được không?

Tôi rất phản đối mô hình trung tâm chính trị hành chính của tỉnh. Bên cạnh các trung tâm này, người ta lại làm đại lộ rất to. Bắc Ninh là một ví dụ. Toàn bộ thành phố đều đường cũ, đường nhỏ, riêng tất cả các cơ quan hành chính của tỉnh đều quay mặt ra đại lộ to nhất thành phố. Điều đó cũng lặp lại ở một loạt các tỉnh thành khác nữa. Theo tôi, không nên tạo ra sự khác biệt và sự tương phản với đô thị như vậy.

Trung tâm hành chính của một số tỉnh, thành phố trong cả nước

Tỉnh, thành phố

Tổng vốn đầu tư

Năm đưa vào sử dụng

Lai Châu

554 tỷ đồng

2009

Bà Rịa – Vũng Tàu

1.000 tỷ đồng

2012

Đà Nẵng

2.000 tỷ đồng

2014

Bình Dương

1.400 tỷ đồng

2014

Lâm Đồng

1.000 tỷ đồng

2015

Khánh Hoà

4.300 tỷ đồng

Dự kiến

Đồng Nai

2.200 tỷ đồng

Dự kiến

Nghệ An

2.100 tỷ đồng

Dự kiến

Hải Dương

2.060 tỷ đồng

Dự kiến

'Toà nhà hành chính Đà Nẵng là công trình duy ý chí'

Theo các kiến trúc sư, với việc xây dựng một toà nhà duy ý chí, bỏ qua các nguyên tắc kiến trúc nhiệt đới, ngân sách Đà Nẵng đã phải chi tới 1 tỷ đồng mỗi tháng phí vận hành.



Hà Hương thực hiện

Bạn có thể quan tâm