Dự định di dời Trung tâm hành chính Đà Nẵng đã gây ra nhiều ngỡ ngàng đối với một công trình được coi là biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, tăng trưởng của thành phố này, Zing.vn giới thiệu ý kiến của các kiến trúc sư liên quan đến kiến trúc của công trình.
KTS Trần Thành Vũ (Chuyên gia vật lý công trình và mô phỏng năng lượng):
Nói nóng và thiếu oxy chỉ là cái cớ
Thành phố Đà Nẵng từng đề nghị tôi tham gia cải tạo môi trường bên trong toà nhà. Chúng tôi cũng đã khảo sát nhưng cuối cùng việc cải tạo không diễn ra.
Toà nhà này thiết kế kém là điều không cần phải bàn cãi. Phần chiếu sáng của toà nhà được thiết kế rất tệ, dĩ nhiên mọi người sẽ phải kéo rèm, bật đèn, rất tốn điện. Toà nhà có kếu cấu tròn, tối đa hoá bức xạ ánh nắng mặt trời sẽ rất nóng.
Hơn nữa, chất lượng kính của toà nhà rất có vấn đề dẫn đến việc nhiều người than phiền quá nóng. Loại kính đang được sử dụng khá rẻ và phổ thông. Nhưng để phù hợp với toà nhà này thì phải sử dụng loại kính tốt hơn và đắt hơn nhiều.
Công trình Toà nhà hành chính Đà Nẵng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các kiến trúc sư ngay từ khi mới công bố thiết kế. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc toà nhà này quá nóng và thiếu oxy chỉ là lý do mà Đà Nẵng đưa ra để di dời.
Hiện nay, chi phí để vận hành toà nhà này tốn khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Nếu việc chi này lấy từ tiền thuế của người dân thì quá lãng phí. Một toà tháp thương mại và văn phòng lớn ở Hà Nội chỉ chi khoảng 10 tỷ/năm để vận hành, vẫn thấp hơn nhiều so với Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Nên nhớ rằng, đây là trung tâm thương mại và toà nhà văn phòng cho thuê.
Theo tôi, giải pháp hiện nay là TP nên giữ lại những phần cần phải giao tiếp với người dân. Phần còn lại của toà tháp ở trung tâm nên cho thuê văn phòng để giảm chi phí. Những khu vực ít giao tiếp thì nên chuyển ra một trung tâm hành chính mới thấp tầng, có vườn cây, không khí trong lành, thân thiện với môi trường. Công trình mới nếu thiết kế tận dụng hướng gió, không khí, sẽ hạn chế việc dùng đến máy lạnh.
KTS Hoàng Thúc Hào (Văn phòng Kiến trúc 1+1>2):
Thành phố biển cần xây nhà thân thiện với môi trường hơn
Công trình chưa chú ý đến ý nghĩa thực sự của kiến trúc bền vững. Với dạng công trình này, chất lượng kính và hệ thống thông gió phải được xử lý thoả đáng. Bốn mặt toàn kính như vậy mà thiếu những phần chắn nắng thì dĩ nhiên là nóng, tốn năng lượng.
Cá nhân tôi ngay từ đầu không ủng hộ những toà nhà kiểu như Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Với một nước khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm như Việt Nam không cần thiết phải dùng quá nhiều kính như vậy. Vì sẽ phải dựa hoàn toàn vào điều hoà.
Đà Nẵng là thành phố biển, đáng ra công trình này nên có các phần chắn nóng để thân thiện với môi trường hơn đồng thời hạn chế yếu tố khắc nghiệt của thời tiết. Muốn làm một toà nhà như vậy thì vật liệu kính phải cực kỳ đắt đỏ. Ngoài ra, còn có những khoảng không, khoảng thông tầng hút gió, nhưng ở đây thì không thấy.
Về khía cạnh kiến trúc, tôi thấy không ấn tượng. Những toà nhà công cộng họ làm hay hơn nhiều. Còn nói đó là biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, tăng trưởng của Đà Nẵng thì hoàn toàn là gán ghép. Tôi thấy việc xây dựng toà nhà là một quyết định duy ý chí.
Giải pháp hiện nay là Đà Nẵng cần mời chuyên gia vào đánh giá lại một cách nghiêm túc và đưa ra được những luận cứ khoa học xác đáng. Với một khối vật chất tốn kém như vậy, trước hết phải chữa bệnh đã, bằng những biện pháp thông minh và phù hợp, làm thế nào cho đỡ lãng phí.
TS Michael Waibel (Tác giả cuốn sách ảnh Đà Nẵng thành phố biển):
Việc xây dựng toà nhà mắc những lỗi rất nghiêm trọng
Đà Nẵng dự định di dời khỏi toà nhà hiện đại mới được xây dựng với chi phí xây dựng đắt đỏ như vậy là một tín hiệu xấu. Nó cho thấy rằng toà nhà này có những lỗi rất nghiêm trọng.
Toà nhà hành chính 2.000 tỷ đồng của Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Theo đuổi kiểu thiết kế hiện đại đòi hỏi một kế hoạch hết sức chi tiết, cẩn thận về không gian trong nhà và hệ thống thông gió. Điều kiện thời tiết ở Việt Nam là một thách thức lớn cần phải giải quyết xét về khía cạnh kiến trúc. Nó không chỉ là làm mát không khí mà còn phải giải quyết các vấn đề do độ ẩm gây nên.
Theo tôi biết, không có bất cứ một biện pháp nào nhằm giảm bức xạ mặt trời được thực hiện. Toà nhà tài chính Bitexco của TP HCM cũng đang đối diện với những vấn đề tương tự bởi kiểu kiến trúc hình nón của nó. Cho đến thời điểm hiện tại, công trình này đang trống khá nhiều vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt bên trong. Những hạn chế này xuất hiện chỉ vài năm sau khi nó được xây dựng.
Rõ ràng, không có bài học nào được rút ra từ ví dụ tệ hại này. Điều đó cho thấy rằng, việc tạo ra một dấu mốc với một kiểu kiến trúc mang tính biểu tượng của sự hiện đại quan trọng hơn là như cầu thực sự của người sử dụng trong tương lai. Các vấn đề về thông gió trong nhà và hiệu suất làm mát đã không được dự báo một cách nghiêm túc. Không có bất cứ một nguyên tắc kiến trúc nhiệt đới nào, ví dụ như tạo ra các công trình chắn nắng được thực hiện. Đó là điều thật sự đáng tiếc.
Tòa nhà Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 2.000 tỷ đồng. Công trình được đưa vào sử dụng tháng 9/2014. Tòa nhà nằm trên khu đất rộng hơn 23.000 m2, cao 37 tầng với diện tích sử dụng 65.234 m2.
Đây là nơi làm việc của 1.600 cán bộ, công chức 23 Sở ngành và là biểu tượng của Thành phố Đà Nẵng.
Thông tin tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Đà Nẵng vừa qua cho biết thành phố có thể phải xây một Trung tâm hành chính khác vì tòa nhà hiện tại nóng và thiếu oxy.