Mô phỏng cabin của cơ sở đào tạo sát hạch lái xe. |
Từ ngày 1/1/2023, các trung tâm đào tạo lái ôtô phải áp dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều cơ sở đào tạo lái xe "đứng ngồi không yên" vì chưa kịp triển khai lắp đặt cabin tập lái do còn nhiều bất cập, khó khăn.
Lúng túng, sốt ruột trước "giờ G"
Trên website của Cục Đường bộ Việt Nam, hiện tại mới chỉ có 2 doanh nghiệp cung cấp thiết bị được công bố hợp quy thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe - cabin học lái xe là Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel - Chi nhánh Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội và Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghệ Ecotek.
Theo ông Phan Thanh Uy, Phó tổng thư ký thường trực Hiệp hội vận tải ôtô, đến ngày 15/11, cơ quan quản lý mới chọn được đơn vị kiểm nghiệm chất lượng của cabin và đến đầu tháng 12 mới có sản phẩm cabin đầu tiên được công nhận hợp quy nên rất khó khăn để các cơ sở đào tạo cả nước đáp ứng theo yêu cầu.
Ông Lại Văn Chất, Trung tâm Dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ Công ty CP Thành Đạt (Hà Nội), cho rằng với cơ sở đào tạo sát hạch có lưu lượng 1.000 học viên, chia làm 3 tháng, mỗi tháng 3 lớp, mỗi lớp có 111 học sinh thì sẽ cần khai thác cabin tập lái tối thiểu 12 giờ/ngày. Theo công thức này, một đơn vị có lưu lượng 1.000 học sinh thì phải đầu tư 28 cabin, đây là khoản chi phí khá tốn kém.
"Hiện nay, mới chỉ có hai nhà cung cấp được công bố đạt chuẩn, mà mỗi cabin có giá vài trăm triệu đồng, chưa kể bộ máy vận hành. Điều này tạo áp lực rất lớn đối với cơ sở đào tạo", ông Chất than thở.
Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm sát hạch và cấp giấy phép lái ôtô Đức Thịnh (Hà Nội), cho hay trung tâm bỏ ra 400-500 triệu đồng mua một thiết bị cabin tập lái nhưng không thể thu được một khoản phí nào từ học viên trong quá trình học thực hành.
"Đơn cử với xe chip, trước khi học viên vào sát hạch, trung tâm còn có thể cho thuê được, từ đó có nguồn thu. Thế nhưng, cabin tập lái thì nằm trong chương trình đào tạo nên không có nguồn thu, mà số tiền đầu tư lại quá lớn. Do đã 'rót vốn' vào đầu tư cabin tập lái, học phí đào tạo lái xe chắc chắn sẽ tăng song cũng cần phải tính toán mức thu hợp lý để không ảnh hưởng nhiều đến học viên", ông Hải nói.
Với hơn 300 cơ sở đào tạo lái xe trên cả nước, ông Hải cho rằng khó có nhà cung cấp nào đáp ứng kịp nhu cầu lắp cabin điện tử tập lái. Vì thế, nguy cơ các trung tâm và cơ sở phải tạm dừng đào tạo là hiện hữu.
Là đơn vị sự nghiệp công lập, ông Phạm Duy Bảy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 (Ninh Bình), cho biết quy trình mua sắm thiết bị cabin tập lái gồm xây dựng dự toán, được phê duyệt đầu tư, làm thủ tục xin chủ trương, tiếp đó làm thủ tục liên quan đến thẩm định giá, phê duyệt kế hoạch, tiến hành lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu. Sau đó, đơn vị nào đáp ứng đủ tiêu chí mới tiến hành ký hợp đồng.
"Thời gian để triển khai các bước thực hiện tổ chức đấu thầu mua sắm theo quy định phải mất 2-3 tháng. Với tình trạng như hiện nay, việc đầu tư mua sắm thiết bị cabin điện tử trong công tác đào tạo lái ôtô của nhà trường sẽ không thể đảm bảo thời gian theo lộ trình áp dụng đào tạo từ ngày 1/1/2023. Chỉ còn đúng một tuần nữa là phải đưa cabin tập lái vào đào tạo nên chúng tôi lo lắng đến mất ăn, mất ngủ", ông Bảy chia sẻ.
Nên thí điểm trước rồi nhân rộng
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho hay khi có quá ít nhà cung cấp thiết bị cabin tập lái xe sẽ dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, đẩy giá lên cao, thiết bị không có thời gian kiểm chứng chất lượng. Đó là chưa kể những vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành, bảo hành, bảo trì... Đặc biệt, sẽ có rất nhiều trung tâm đào tạo thuộc khối đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải dừng đào tạo vì không hội đủ các điều kiện.
Trước tình hình hiện nay, theo ông Quyền, Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đề nghị Nhà nước nên chọn ra khoảng 5 đơn vị thí điểm áp dụng cabin điện tử, mỗi đơn vị đầu tư khoảng 2-3 cabin tập lái, cho thực hiện theo quy định 3-6 tháng. Sau khi đánh giá hiệu quả hoặc có vấn đề gì phát sinh, cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hướng dẫn, điều chỉnh cho phù hợp và đầu tư trên diện rộng.
Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Thắng Quân, Chủ tịch Chi hội đào tạo sát hạch lái xe, cũng cho rằng khi đưa vào thực hiện quy định áp dụng thiết bị công nghệ mới cần có giai đoạn thí điểm.
"Sau khi thí điểm, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đánh giá và đưa ra các tiêu chí thiết bị để xây dựng quy chuẩn phù hợp. Lúc này giá thành sản phẩm sẽ rẻ và phù hợp với nhu cầu sử dụng", ông Quân nói.
Nhấn mạnh việc trang bị phần mềm và cabin điện tử vào quy trình đào tạo là một giải pháp để đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, song nhiều trung tâm đào tạo lái xe cho rằng cần có lộ trình thí điểm, kiểm chứng và rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà và cần thiết có thể cho phép lùi thời điểm áp dụng thêm để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
"Cabin tập lái với mục đích sử dụng chỉ có tính chất tham khảo, học lái xe cần phải ‘văn ôn võ luyện’, được chạy trên sa hình, trên thực tế với các tình huống thật sự. Trước đây, một số nước như Hàn Quốc đã trang bị mô hình cabin này nhưng sau cũng bỏ vì không phù hợp. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải cần phải sửa lại các quy định, nghị định để làm sao phù hợp với thực tế và mang lại hiệu quả cao cho người học,” ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) kiến nghị.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.