Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc xả đập thủy điện đến hết mùa khô

Đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc tiếp tục được xả khiến nước ngọt đang đổ về hạ nguồn sông Mekong.

Ngày 28/4, Bộ NN&PTNT cho biết, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng đã gia tăng lượng nước xả từ ngày 21/4 cho đến khi mùa khô kết thúc. Thực tế cho thấy, mực nước tại trạm Chiang Saen (Thái Lan, cách thủy điện Cảnh Hồng khoảng 350 km) từ 21-25/4, đã tăng được 0,5 m (2,13 m lên 2,62 m).

Trên cơ sở tình hình nguồn nước thượng nguồn sông Mekong, xâm nhập mặn trong nửa đầu tháng 5, đặc biệt thời kỳ triều cường (từ 5-12/5) vẫn ở mức cao hơn so với năm 2015, từ 1-2‰ và cao hơn trung bình nhiều năm từ 2-3‰.

Tuy nhiên, độ mặn này thấp hơn thời kỳ cao điểm tháng 2-3/2016. Từ nửa cuối tháng 5 trở đi, lượng nước xả từ hồ thủy điện sẽ ảnh hưởng đến miền Tây và dự báo bắt đầu có mưa nên xâm nhập mặn giảm dần.

Trung Quoc xa lu anh 1
Nắng hạn khiến nhiều dòng kênh nội đồng khô cạn, nông dân miền Tây phải nối ống để bơm nước ngoài sông vào ruộng cứu lúa. Ảnh: Việt Tường.

Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh miền Tây theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn, vận hành cống thủy lợi để lấy nước khi độ mặn cho phép. Các địa phương cũng tập trung tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm và khu trũng để phục vụ sản xuất, dân sinh.

Về lâu dài, Bộ đề nghị Quốc hội ưu tiên kế hoạch đầu tư trung hạn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, giai đoạn 2017-2020, để thực hiện các dự án quy mô lớn, hệ thống thủy lợi quan trọng ở các tỉnh miền Tây. Các dự án này phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Cụ thể là bổ sung 17.937 tỷ đồng để đầu tư các công trình thủy lợi phòng chống hạn, xâm nhập mặn. Trong đó, các công trình cấp bách cần đầu tư, phát huy hiệu quả ngay trong năm 2016-2017 là 2.130 tỷ đồng.

Hơn một tháng trước, Trung Quốc xả lũ từ đập thủy điện ở tỉnh Vân Nam để giúp các nước ở hạ lưu sông Mekong, bao gồm Việt Nam, khắc phục tình trạng hạn hán.

Đến đầu tháng 4, nước mặn đã bị đẩy khỏi các tuyến sông ở Cần Thơ. Tại An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng), vào cuối tháng 3 mặn xâm nhập 4‰ nhưng hiện nay không còn và mặn bị đẩy xa thêm khoảng 20 km xuống khu vực Đại Ngãi của huyện Long Phú (Sóc Trăng).

Từ khi xâm nhập mặn đến nay, miền Tây có 208.800 ha lúa bị thiệt hại. Thiên tai cũng khiến 9.400 ha cây ăn quả bị hư hại. Đến nay có khoảng 225.800 hộ thiếu nước sinh hoạt. Nhiều trường học, trạm xá, khách sạn, cơ sở sản xuất ở vùng này cũng bị thiếu nước ngọt.

Nước ngọt từ thượng nguồn đã về đến miền Tây

Trung Quốc xả đập đã đưa nước ngọt vượt qua biên giới Campuchia, đẩy mặn ra khỏi nhiều tuyến sông ở miền Tây.


Việt Tường

Bạn có thể quan tâm