Theo New Scientist, một nhóm nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Tế bào gốc và Sinh sản sinh học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã cho ra đời 2 con lợn được cấy ghép tế bào khỉ.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển hơn 4.000 phôi như vậy, sau đó cấy vào lợn nái. Tuy nhiên, chỉ có 10 phôi sống được đến tháng cuối thai kỳ. Ngoại hình của chúng hầu như không thay đổi so với những con lợn khác nhưng các nhà khoa học có thể quan sát được sự phát triển của các tế bào khỉ bên trong.
Một cá thể lợn lai khỉ sinh ra từ phòng thí nghiệm tại Trung Quốc. Ảnh: Newscientist. |
Trong số 10 con lợn được sinh ra, chỉ có 2 thực sự là chimera - thuật ngữ di truyền học dùng để chỉ một cơ thể sinh vật được tạo thành qua sự hợp nhất của nhiều bộ gen khác nhau.
Cả 2 con lợn mang nội tạng khỉ đều chết trong vòng 1 tuần sau đó với nguyên nhân chưa xác định. 8 con còn lại cũng không thể sống sót.
Theo các nhà khoa học, mục tiêu của nghiên cứu là hướng tới khả năng phát triển bộ phận cơ thể người bên trong cơ thể lợn. Nhưng kết quả ban đầu cho thấy còn một chặng đường dài trước khi đạt đến thành công này.
Theo BGR, cứu sống con người là một điều tuyệt vời nhưng việc nuôi lợn và nhồi nhét bộ phận cơ thể vào, sau đó giết chúng để "thu hoạch" gây lo ngại về đạo đức.
Dự án của các nhà khoa học Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện nhằm gia tăng tỷ lệ thành công. Họ cố gắng tạo ra nhiều chimera với tỷ lệ tế bào khỉ cao hơn nữa trong thời gian tới.