Dữ liệu thương mại cho thấy Trung Quốc là nước tiếp nhận hơn 50% khối lượng hải sản, lâm sản, khoáng sản xuất khẩu từ các nước khu vực Thái Bình Dương trong năm 2019. Các chuyên gia miêu tả lượng tài nguyên này có giá trị tới 3,3 tỷ USD, con số "lớn đến mức đáng kinh ngạc".
Trung Quốc thâu tóm nguồn tài nguyên khổng lồ nhờ ảnh hưởng ngày càng lớn mà Bắc Kinh áp đặt lên chính phủ các nước ở khu vực, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như Mỹ và Australia, theo Guardian.
Thu mua nhiều hơn 10 nước xếp sau cộng lại
Trong danh sách các nước thu mua tài nguyên từ khu vực Thái Bình Dương, khối lượng mà Trung Quốc thâu tóm nhiều hơn 10 nước xếp sau cộng lại. Các chuyên gia cho biết Bắc Kinh có thể dễ dàng thao túng ngành công nghiệp khai thác ở khu vực này.
Phân tích dữ liệu cho thấy Trung Quốc rất "thèm muốn" các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ Thái Bình Dương.
Năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 4,8 triệu tấn gỗ, 4,8 triệu tấn sản phẩm khoáng sản, cùng 72.000 tấn hải sản từ khu vực Thái Bình Dương.
Trung Quốc mua 90% lượng gỗ khai thác ở Papua New Guinea và quần đảo Solomon. Ảnh: Guardian. |
Khách hàng lớn thứ 2 của khu vực là Nhật Bản. Tokyo chỉ mua 4,1 triệu tấn khoáng sản, chủ yếu là dầu mỏ, cùng 370.000 tấn gỗ và 24.000 tấn hải sản.
Australia đứng thứ 3, nhập khẩu 600.000 tấn khoáng sản, 5.000 tấn gỗ và 200 tấn hải sản.
Shane Macleod, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Lowy, cho biết Trung Quốc đang là khách hàng thống trị tuyệt đối tài nguyên thiên nhiên xuất khẩu của các nước Thái Bình Dương, một phần bởi lợi thế về khoảng cách địa lý, một phần cũng bởi nhu cầu của nền kinh tế trong nước.
"Đơn giản là họ thèm khát nguồn tài nguyên này. Trung Quốc cần tài nguyên thiên nhiên, và Thái Bình Dương ở rất gần về mặt địa lý. Một trong các lợi ích là tuyến đường cung ứng sẽ ngắn hơn", ông Macleod cho biết.
Mỏ nickel Ramu ở Papua New Guinea là một ví dụ. Phần lớn nickel thô khai thác từ mỏ này được chuyển trực tiếp tới Trung Quốc, không qua bất cứ trung gian nào.
Trong khi đó, 90% khoáng sản khai thác ở quần đảo Solomon được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trung Quốc cũng thường xuyên mua tới 90% sản lượng gỗ khai thác từ Papua New Guinea và quần đảo Solomon.
Không chỉ trực tiếp nhập khẩu tài nguyên, Trung Quốc cũng đầu tư lớn vào ngành khai khoáng ở các nước trong khu vực suốt 20 năm qua.
Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu American Enterprise, các công ty Trung Quốc đã rót 2 tỷ USD vào các ngành khai khoáng, trong đó có những dự án gây tranh cãi như Porgera, Ramu Nickel và Frieda River tại Papua New Guinea.
Chính phủ Trung Quốc cũng viện trợ chính thức hàng tỷ USD cho các nước trong khu vực, trong đó hàng chục triệu USD để xây dựng những khu công nghiệp và hàng hải mới.
Câu hỏi về pháp lý
"Xét về tác động môi trường thuần túy từ ngành công nghiệp khai thác, Trung Quốc dễ dàng bỏ xa các nước khác cũng mua tài nguyên từ khu vực này, kể cả Australia", giáo sư Bill Laurance, chuyên gia của Đại học James Cook, cho biết.
Cơn khát khoáng sản, gỗ, năng lượng hóa thạch cũng như thực phẩm mà Trung Quốc nhập khẩu từ các nước Thái Bình Dương tạo ra thách thức to lớn cho sự phát triển bền vững của khu vực, ông Laurance nhận xét.
Papua New Guinea, quần đảo Solomon, Vanuatu, Tonga và Palau là những nước thường xuất khẩu 90% lượng gỗ khai thác tới Trung Quốc.
Gỗ trên đường đi qua làng Vanimo, Papua New Guinea được vận chuyển tới bến cảng để đưa lên tàu chuyển đến Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Theo tổ chức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Global Witness, hoạt động khai thác gỗ lậu chiếm đến 70% sản lượng gỗ xuất khẩu của quần đảo Solomon.
Là một nước lớn, có khoảng cách địa lý gần, Trung Quốc là khách hàng tự nhiên đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định khối lượng tài nguyên nhập khẩu quá lớn từ Trung Quốc, một phần bởi Bắc Kinh chưa ban hành đầy đủ quy định về chống khai thác tài nguyên trái phép. Trung Quốc cũng ít khi buộc các công ty giải trình về tác động môi trường, xã hội tại nơi họ thu mua nguyên liệu thô.
Thâu tóm nguồn thủy sản
Đánh cá là ngành mang lại nguồn thu quan trọng tại nhiều quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương. Nhưng đa phần các nước trong khu vực chưa đủ khả năng tận dụng hết nguồn lợi tự nhiên này.
Ngoài Fiji, những nước khác ở Thái Bình Dương vẫn chỉ đánh bắt cá, chứ không thể chuyển sang chế biến để xuất khẩu sản phẩm với giá trị cao hơn.
Kiribati là một ví dụ điển hình. 75% nguồn thu ngân sách của chính phủ nước này đến từ cấp phép và lệ phí đánh bắt cá. Nhưng năm 2019, Kiribati chỉ xuất khẩu 1.000 tấn hải sản sang Trung Quốc.
Trong khi đó, tàu thuyền nước ngoài thu mua hàng trăm nghìn tấn cá ngay trong vùng biển của Kiribati.
Tàu cá Trung Quốc khai thác trái phép bị Palau bắt giữ. Ảnh: Guardian. |
Điều tra các con tàu hoạt động ở Thái Bình Dương năm 2019 cho thấy tàu Trung Quốc áp đảo bất cứ quốc gia nào khác có tàu thuyền hiện diện ở khu vực này.
Trung Quốc cũng có ít nhất 290 tàu công nghiệp được cấp phép hoạt động, chiếm hơn 1/4 tổng số tàu công nghiệp được cấp phép tại khu vực.
Ngoài Papua New Guinea, tàu cá các nước khác tại Thái Bình Dương ít khi đánh bắt xa bờ. Đây là vùng biển có những loài sinh vật giá trị cao như hải sâm.
Tuy nhiên, tiến sĩ Hugh Govan, chuyên gia của Đại học South Pacific, cho biết nhiều ngư trường ở Thái Bình Dương bị khai thác quá mức, có những nơi đàn cá gần như biến mất.
Tàu cá Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc đánh cá trái phép, không khai báo, không tuân thủ luật lệ ở nhiều khu vực, trong đó có Thái Bình Dương.
Từ cảng nhà ở miền nam Trung Quốc, nhiều tàu cá bị phát hiện đánh bắt trái phép ở tận nam Thái Bình Dương, có những chiếc đi xa đến ngoài khơi New Zealand.
Tuy nhiên, tháng 12/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh một lần nữa tuyên bố Trung Quốc là "nước khai thác cá có trách nhiệm", và "không dung thứ" cho vi phạm của tàu cá đánh bắt xa bờ.
Thảm họa môi trường
Quần đảo Solomon bán phần lớn khoáng sản khai thác của nước này cho Trung Quốc, đa phần là quặng nhôm.
Khoáng sản chiếm hơn 90% giá trị xuất khẩu của Papua New Guinea. Khoảng 30% khối lượng khoáng sản xuất khẩu của nước này có điểm đến là Trung Quốc.
Tại khu vực Thái Bình Dương, Australia cũng là đối tác thu mua khoáng sản lớn. Canberra thâu tóm 100% lượng vàng khai thác ở Fiji và 80% của Papua New Guinea.
Nhưng khi so sánh về tổng khối lượng giao dịch các loại tài nguyên, khoáng sản, Australia bị Trung Quốc bỏ xa.
Mỏ vàng Porgera là đối tượng tranh chấp giữa Papua New Guinea và công ty Zijin Mining của Trung Quốc. Ảnh: AAP. |
Theo Viện nghiên cứu Lowy, có sự khác biệt lớn giữa Trung Quốc với các đối thủ phương Tây khác cùng thu mua tài nguyên ở Thái Bình Dương. Các nước phương Tây có xu hướng buộc doanh nghiệp của mình chịu trách nhiệm đối với các vấn đề môi trường và xã hội phát sinh từ nơi họ thu mua tài nguyên.
Tại Papua New Guinea, nhiều mỏ khai thác khoáng sản có hồ sơ tuân thủ quy định bảo vệ môi trường đáng lo ngại. Sau khi bị phát hiện gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường, nhiều công ty nước ngoài buộc phải rút khỏi các dự án khai mỏ.
"Thế nhưng các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài lại không chịu sự giám sát của thị trường trong nước giống như doanh nghiệp ở các nước phương Tây", Shane McLeod, chuyên gia của Viện nghiên cứu Lowy, cho biết.
"Ok Tedi là một ví dụ điển hình, thảm họa môi trường đã hủy hoại danh tiếng công ty BHP (doanh nghiệp của Australia), thông tin từ truyền thông cuối cùng đã đánh động nhà chức trách", ông McLeod nói thêm.
Trong khi đó, ô nhiễm môi trường là vấn đề báo động tại mỏ khai thác nickel Ramu ở Papua New Guinea do tập đoàn khai mỏ Metallurgical Corporation of China của Trung Quốc sở hữu.
Nhưng đến nay, nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa có động thái chính thức nào với tập đoàn Metallurgical Corporation of China.
Năm 2020, chính phủ Papua New Guinea đã hủy bỏ giấy phép khai thác tại một phần mỏ vàng Porgera do công ty Trung Quốc sở hữu, với lý do nước chủ nhà không nhận được phần chia công bằng trong dự án này.
Đối tác Trung Quốc - tập đoàn khai mỏ Zijin Mining - sau đó cảnh báo bất đồng tại mỏ vàng Porgera "có thể gây tổn hại quan hệ song phương giữa hai nước".