Phát biểu trong một hội chợ công nghệ diễn ra ở Hongkong, nhà phát triển Bắc Đẩu cho biết hệ thống này hiện có thể định vị chính xác "đến từng centimet". Thậm chí, Bắc Đẩu còn cung cấp thông tin vị trí chính xác hơn đối thủ GPS trong phạm vi Trung Quốc.
Với 23 vệ tinh được đưa lên quỹ đạo, hệ thống Bắc Đẩu bao quát toàn bộ Trung Quốc và một số nước lân cận. Theo South China Morning Post, Bắc Kinh cũng đặt ra mục tiêu phóng thêm 20 vệ tinh nữa trước năm 2020 để Bắc Đẩu có thể hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Một mô hình về hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu được trưng bày tại triển lãm hàng không ở Quảng Đông, Trung Quốc năm 2012. Ảnh: China Daily. |
Theo chuyên gia về hệ thống định vị, Xu Ying, hiện 70% tàu cá của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông được trang bị hệ thống này. Với chức năng liên lạc, Bắc Đẩu cho phép ngư dân gửi tin nhắn cùng thông tin về vị trí.
"Dùng Bắc Đẩu, ngư dân có thể thông báo cho gia đình biết họ an toàn. Họ cũng có thể báo cho lực lượng bảo vệ bờ biển nếu có sự cố xảy ra", chuyên gia Xu nói.
Bà cũng cho biết một số công ty về dịch vụ bản đồ và xây dựng tại Trung Quốc đã bắt đầu dùng song song Bắc Đẩu bên cạnh GPS trong khi chờ chuyển qua dùng hoàn toàn hệ thống trong nước.
Hệ thống GPS là hệ thống định vị toàn cầu dựa trên mạng lưới vệ tinh nhân tạo do Bộ Quốc phòng Mỹ xây dựng. Dự án được khởi động năm 1973 và vệ tinh đầu tiên được phóng lên quỹ đạo năm 1978. Ban đầu, GPS được dùng cho mục đích quân sự nhưng đến năm 1980 chính phủ Mỹ cho phép sử dụng trong các hoạt động dân sự. Hiện GPS có thể cho độ chính xác trong khoảng 3-5m.
Theo một bài viết trên Xinhua năm 2013, 90% người dùng trong các ngành công nghiệp với yêu cầu về mức độ chính xác cao vẫn tin tưởng vào GPS hơn. Do đó, bà Xu nhận định sự chuyển đổi nói trên cần nhiều thời gian.
Bắc Kinh đã thuyết phục một số nước châu Á, bao gồm Lào và Pakistan, sử dụng dịch vụ dân sự miễn phí của Bắc Đẩu. Họ cũng đang quảng bá Bắc Đẩu với một số nước trong phạm vi "Một vành đai, một con đường".
Trung Quốc nói rằng họ xây dựng Bắc Đẩu để phục vụ cho các nhu cầu trong nước, bao gồm quân sự, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Hầu hết hải đăng, căn cứ quân sự và thuyền đánh cá của Trung Quốc đều sử dụng hệ thống định vị này sau khi bản đồ khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoàn thiện năm 2012.
Hôm 15/9, Trung Quốc phóng thành công trạm vũ trụ Thiên Cung 2 lên quỹ đạo, tiến thêm một bước trong kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ có người thường trực. Thiên Cung 2 cũng mang theo một đồng hồ nguyên tử được cho là chính xác nhất thế giới dùng để nâng cao độ chính xác của hệ thống Bắc Đẩu.