Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Trung Quốc truy ra ca mắc Covid-19 ngay nhưng không bảo vệ phụ nữ'

Chủ đề nữ quyền ở Trung Quốc một lần nữa được bàn luận sau vụ nhóm đàn ông hành hung phụ nữ khi quấy rối bất thành. Tuy vậy, vấn nạn bạo lực trên cơ sở giới tiếp tục bị xem nhẹ.

nhom dan ong trung quoc tan cong phu nu anh 1

Một người đàn ông bước vào nhà hàng thịt nướng ở miền Bắc Trung Quốc và đến gần bàn của 3 phụ nữ. Anh ta đặt tay lên lưng một người và người này đã hất anh ta ra. Không những không biết xấu hổ, anh ta đáp lại cô bằng một cái tát. Sau đó, cùng với một nhóm đàn ông khác, anh đã hành hung cô gái này và những phụ nữ khác, đánh họ bằng ghế, dùng chân đá và túm tóc cô gái bị sàm sỡ kéo ra ngoài.

Đoạn video an ninh ghi lại vụ hành hung xảy ra ở thành phố Đường Sơn cuối tuần qua đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc và tiếp tục là chủ đề nóng trong những ngày gần đây. Nhiều phụ nữ bày tỏ sự phẫn nộ và kinh hoàng trước mối đe dọa bạo lực tình dục đang rình rập cuộc sống hàng ngày của họ. 3 hashtag liên quan đến vụ việc đã được nhấp hơn 4,8 tỷ lần trên nền tảng Weibo.

Mức độ phản ứng cho thấy sự chú ý ngày càng tăng của công chúng Trung Quốc về chủ đề quấy rối tình dục và bạo lực trên cơ sở giới. Tại Trung Quốc, các cuộc thảo luận về bình đẳng giới ngày càng phổ biến. Đồng thời, những câu chuyện khác liên quan tới góc độ giới tính cũng nổi lên.

Một số học giả nói vụ việc này liên quan tới an toàn cộng đồng chứ không chỉ đối với phụ nữ. Cơ quan truyền thông nhà nước thì nhắm tới các băng đảng. Weibo đã xóa hàng trăm tài khoản, cáo buộc họ đang tìm cách “gây thù hằn giữa 2 giới”.

Những cách giải thích mâu thuẫn trên phần nào nhấn mạnh sự chia rẽ của công chúng Trung Quốc trong cách nhìn nhận chủ nghĩa nữ quyền. Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động nữ quyền bị kiện hoặc bị bắt. Các hãng truyền thông nhà nước mô tả phong trào #MeToo như “vũ khí để các thế lực nước ngoài làm suy yếu Trung Quốc”.

"Tôi phải làm bao nhiêu biện pháp phòng ngừa nữa mới đủ?"

Hồi tháng 1, mạng xã hội Trung Quốc cũng bùng nổ sau khi một phụ nữ ở tỉnh Giang Tô bị xích trong lán. Chính quyền sau đó thừa nhận cô là nạn nhân của nạn buôn người. Nhưng các quan chức cũng kiểm duyệt một số người yêu cầu cung cấp thêm thông tin.

Năm ngoái, vận động viên quần vợt Bành Soái “bặt vô âm tín” trong gần một tháng sau khi đăng bài cáo buộc một cựu lãnh đạo cấp cao Trung Quốc quấy rối tình dục. Sau đó, cô nói rằng có “hiểu nhầm” và phủ nhận vụ việc.

Vụ việc ở Đường Sơn gây phẫn nộ một phần vì quá bạo lực. Feng Yuan - người đứng đầu tổ chức Equality, nhóm vận động nữ quyền có trụ sở tại Bắc Kinh - nói sự tức giận này không chỉ là về những rủi ro mà phụ nữ phải đối mặt.

“Lý do chính mà anh ta đánh cô ấy là vì hành vi quấy rối không mang lại kết quả như anh ta mong muốn. Nhưng nhiều bài bình luận chính thống không đề cập tới điều đó”, bà Feng nói. “Vai trò của giới tính (trong vụ việc) đang bị xóa nhòa, đây là điều chúng ta cần đấu tranh”.

nhom dan ong trung quoc tan cong phu nu anh 2

Một người trong nhóm quấy rối không thành nên cả nhóm đã túm tóc người phụ nữ lôi ra ngoài và đánh đập. Ảnh: Straits Times.

Một nhân chứng đã gọi điện ngay lập tức cho cảnh sát khi cô thấy người phụ nữ bị sàm sỡ bị tấn công. Thế nhưng, khoảng 18h ngày 10/6, tức tận 15 tiếng sau vụ tấn công, thời điểm đoạn video được lan truyền rộng rãi, cảnh sát địa phương mới thông báo họ “dốc toàn lực” để bắt giữ nghi phạm. Nhiều người nói rằng cảnh sát chỉ phản ứng khi công chúng phẫn nộ. Đến ngày 12/6, giới chức đã bắt giữ 7 người đàn ông và 2 phụ nữ.

Mạng xã hội bùng nổ với những bình luận lên án những kẻ tấn công và thái độ phân biệt giới tính. Nhiều người nói rằng giới chức “có thể truy tìm người nghi nhiễm virus corona ngay lập tức nhưng lại không sẵn sàng triển khai nguồn lực để bảo vệ phụ nữ”. Có người chỉ ra phụ nữ đã thực hiện tất cả lời khuyên về cách phòng tránh bị quấy rối - đi theo nhóm và ở trong không gian công cộng đủ ánh sáng - mà vẫn không an toàn.

"Thế giới này muốn tôi thực hiện bao nhiêu biện pháp phòng ngừa nữa mới là đủ?", một tác giả viết.

The Paper - cơ quan truyền thông nhà nước - đã kiểm tra hồ sơ pháp lý của những trường hợp tương tự (đàn ông hành hung phụ nữ sau khi bị cự tuyệt). Tờ báo chỉ ra những đối tượng này chỉ bị giam giữ 1-2 tuần. Trong một số trường hợp, thời gian đàn ông bị giam giữ còn ít hơn cả thời gian nạn nhân nằm trong bệnh viện.

Vai trò của giới tính luôn bị xem nhẹ

Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều người chỉ ra vai trò của giới trong vụ tấn công, các ý kiến khác đã bác bỏ tầm quan trọng của nó. Một số người dùng mạng xã hội cáo buộc ngược và hỏi “tại sao phụ nữ lại ra ngoài muộn như vậy”. Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh ban đầu còn nói người đàn ông “trò chuyện” với cô gái, sau đó “hai bên bắt đầu xô xát”.

Nhiều phương tiện truyền thông nhà nước yêu cầu cải thiện an toàn công cộng nhưng không đề cập đến những nguy hiểm cụ thể mà phụ nữ phải đối mặt. Nhiều người tập trung suy đoán những kẻ tấn công là thành viên băng đảng. Cách suy luận này thu hút nhiều sự chú ý khi cư dân Đường Sơn chia sẻ thêm câu chuyện về các băng nhóm tội phạm. Cảnh sát địa phương cũng vừa công bố chiến dịch kéo dài 2 tuần chống lại tội phạm có tổ chức.

Những người khác phủ nhận vai trò của giới tính.

“Thủ phạm trong những trường hợp tương tự không nhắm mục tiêu cụ thể đến phụ nữ, mà nhắm vào tất cả người yếu thế (kể cả nam giới)”, Lu Dewen - giáo sư xã hội học tại Đại học Vũ Hán - nhận định.

Huang Simin - luật sư, người từng làm việc với các trường hợp bạo lực giới - cho biết điều quan trọng là phải xem xét các yếu tố khác như bạo lực băng đảng hoặc thực thi pháp luật. Nhưng nhiều người không thấy tính coi thường phụ nữ có thể thúc đẩy những yếu tố khác, bà nói.

nhom dan ong trung quoc tan cong phu nu anh 3

Vụ việc người phụ nữ bị xích ở tỉnh Giang Tô hồi đầu năm từng gây chấn động cư dân mạng Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

“Chúng ta có thể phân tích vụ việc này từ nhiều góc độ: Khác biệt về văn hóa, vùng miền, pháp lý. Nhưng trung tâm của tất cả góc độ này là giới tính”, bà Huang nói. “Nếu chúng ta thậm chí không thể thừa nhận điều đó, thì vấn đề này sẽ rất khó giải quyết”.

Bà nói thêm vì Trung Quốc chưa có nhiều luật giải quyết rõ ràng bạo lực trên cơ sở giới, nhiều người không có khuôn khổ để hiểu về hành vi tấn công ở khía cạnh giới. Những kẻ tấn công thường bị buộc tội “gây gổ, gây rối” và hành hung có chủ đích.

Không chỉ vậy, rất nhiều người vẫn còn có thái độ thù địch với hoạt động nữ quyền.

Laura Yu - luật sư tại Bắc Kinh - cho biết đoạn video khiến bà rất tức giận. Nhưng nếu phụ nữ tỏ ra tức giận quá mức, đây sẽ là "miếng mồi" cho nhóm đàn ông coi nữ quyền là mối đe dọa với quyền của họ.

“Không phải tôi muốn thỏa hiệp”, bà nói. "Nếu tôi không thỏa hiệp, tôi sẽ không thể đạt được bất cứ điều gì".

Một số hãng truyền thông nhà nước và các nhà bình luận theo chủ nghĩa dân tộc từ lâu đã coi các nữ quyền là cực đoan.

Ngay cả khi phương tiện truyền thông nhà nước lên án vụ tấn công ở Đường Sơn, một số bài báo đề cập các vấn đề "mang tính hệ thống" đã bị kiểm duyệt, trong đó một bài báo liên kết vụ tấn công với trường hợp người phụ nữ bị xích ở Giang Tô. Weibo khóa hơn 1.000 tài khoản, một số với lý do "kích động xung đột giữa các giới”.

Và còn rất nhiều trường hợp nữa thậm chí không bao giờ nhận được sự quan tâm lớn đến thế này, bà Feng nói. "Có rất nhiều sự cố không được quay lại", bà Feng nói. "Bạo lực đối với phụ nữ trong xã hội chúng ta, bất kể dưới hình thức nào, thực sự không có gì là mới nữa”.

Trung Quốc nhắm vào băng đảng sau vụ nhóm đàn ông đánh phụ nữ

Quan chức thành phố Đường Sơn, miền Bắc Trung Quốc hôm 13/6 đã phát động chiến dịch chống lại các băng nhóm tội phạm sau vụ việc 9 người đàn ông bị bắt vì cáo buộc đánh đập phụ nữ.

Dư luận Trung Quốc phẫn nộ vì nhóm đàn ông hành hung cô gái

Đoạn video ghi lại hình ảnh bạo lực phụ nữ tại Đường Sơn, Trung Quốc đang lan truyền trên mạng xã hội. Ba người phụ nữ bị đánh đập khi phản kháng lại hành vi quấy rối tình dục.

Phương Linh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm