Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Dư luận Trung Quốc phẫn nộ vì nhóm đàn ông hành hung cô gái

Đoạn video ghi lại hình ảnh bạo lực phụ nữ tại Đường Sơn, Trung Quốc đang lan truyền trên mạng xã hội. Ba người phụ nữ bị đánh đập khi phản kháng lại hành vi quấy rối tình dục.

Mang xa hoi,  Weibo,  Wechat anh 1

Tata, 34 tuổi ở thành phố Thành Đô, Trung Quốc, đang lăn chuột lướt mạng xã hội tại bàn làm việc vào chiều 10/6 thì bắt gặp một đoạn video gây kinh ngạc khiến cô run rẩy.

Trong video ghi lại hình ảnh giám sát hiện trường, ba người phụ nữ đang ăn tối tại cửa hàng đồ nướng. Một người trong số họ bị người đàn ông lạ mặt quấy rối (bằng hành động chạm tay vào lưng). Khi phản kháng lại, cô bị người đàn ông đánh vào đầu và kéo lê ra bên ngoài một cách bạo lực. Bạn bè của cô gái cũng bị nhóm thanh niên đánh đập khi cố gắng ngăn cản hành động của người đàn ông lạ kia.

Những hình ảnh trong video quá khủng khiếp và cảnh đánh đập quá dã man đến nỗi Tata đã phải tạm dừng video giữa chừng.

“Sự phẫn nộ và kinh hoàng dâng trào trong tôi. Tôi hoàn toàn có thể đồng cảm với cô ấy - nỗi khiếp sợ mà cô ấy phải cảm thấy trong khoảnh khắc đó. Và điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta", Tata nói, yêu cầu giữ kín danh tính và nêu tên tiếng Anh của mình.

Mang xa hoi,  Weibo,  Wechat anh 2

Video ghi lại hình ảnh những người đàn ông hành hung cô gái tại Đường Sơn, Trung Quốc hôm 10/6. Ảnh: CNN.

Đoạn video gây chấn động Trung Quốc

Vụ việc diễn ra vào khoảng 14h40 chiều 10/6. Đến tối, hình ảnh tấn công bạo lực đã gây chấn động cả nước và thu hút hàng trăm triệu lượt xem. Suốt cuối tuần, đây là chủ đề thống trị các cuộc thảo luận trực tuyến.

Nhiều người kinh hãi khi một phụ nữ bị đánh đập dã man như vậy chỉ vì không chấp nhận hành vi quấy rối tình dục của đàn ông. Những người khác chỉ trích cảnh sát vì đã không hành động cho đến khi vụ việc lan truyền rộng rãi.

Sau những bác bỏ ban đầu, cảnh sát Đường Sơn đã công bố xác định được các nghi phạm và "không mất nhiều công sức" để bắt giữ.

Cảnh sát cho biết đến chiều 11/6, tất cả 9 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công đã bị bắt giữ, bao gồm cả 4 người đã chạy trốn đến tỉnh Giang Tô, cách hiện trường vụ việc khoảng 1.000 km.

Theo thông tin từ cảnh sát, hai phụ nữ nhập viện với vết thương không nguy hiểm đến tính mạng và đang trong tình trạng ổn định.

Lật lại câu chuyện nữ quyền tại Trung Quốc

Cuộc tấn công cũng làm dấy lên cuộc tranh luận về bạo lực đối với phụ nữ và bất bình đẳng giới ở Trung Quốc. Mặc dù nhận thức về các vấn đề giới của phụ nữ trẻ ngày càng tăng tại quốc gia tỷ dân, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng đây vẫn là xã hội gia trưởng với sự bất bình đẳng giới tràn lan.

"Chuyện xảy ra tại nhà hàng thịt nướng Đường Sơn không phải là một sự cố xã hội cá biệt mà là một phần của bạo lực giới có hệ thống. Chúng ta cần thừa nhận rằng chúng ta vẫn đang sống trong một môi trường ủng hộ, khuyến khích, và thúc đẩy nam giới có hành động phân biệt giới”, một bài báo được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội nêu rõ.

Mang xa hoi,  Weibo,  Wechat anh 3

Hình ảnh những người ủng hộ nữ quyền nổi bật ở Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Trong những năm gần đây, hàng loạt vụ bạo hành phụ nữ gây sốc không ngừng làm dấy lên làn sóng phẫn nộ.

Năm 2021, một vlogger người Tây Tạng đã qua đời sau khi chồng cũ phóng hỏa trong lúc cô đang phát trực tiếp cho người hâm mộ trên mạng xã hội. Người chồng cũ bị kết án tử hình vào tháng 10/2021.

Đầu năm 2022, một video ngắn cho thấy người phụ nữ có 8 đứa con được phát hiện trong tình trạng bị xích cổ ở nhà kho ở vùng nông thôn tỉnh Giang Tô. Sau nhiều lần phủ nhận, nhà chức trách cuối cùng cũng thừa nhận đây là nạn nhân của nạn buôn người.

Mang xa hoi,  Weibo,  Wechat anh 4

Hình ảnh người phụ nữ bị xích trong nhà kho lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: Twitter.

"Tất nhiên chúng ta nên thực hiện hành động pháp lý để trừng phạt những kẻ tấn công và thủ phạm riêng lẻ. Nhưng không giải quyết tình trạng áp bức giới có hệ thống, không thay đổi các chuẩn mực xã hội cổ xúy và khuyến khích bạo lực, chúng ta sẽ tiếp tục dâng tràn sự tức giận trong những vụ việc tiếp theo", bài báo gây tiếng vang trên mạng xã hội nêu vấn đề.

Bài báo được đăng trên WeChat, cùng với các bài đăng trên mạng xã hội khác về các vấn đề giới tính, sau đó đã bị xóa bỏ.

Hạn chế bình luận về nữ quyền trên mạng xã hội

Weibo, nền tảng giống Twitter của Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố hôm 11/6 rằng họ đã chặn 992 tài khoản vì vi phạm bao gồm "cố tình kích động đối đầu giới" khi thảo luận về vụ tấn công Đường Sơn.

Tài khoản chính thức của Weibo đã chia sẻ một số bài đăng từ những người dùng mà họ chặn, trong đó có ngôn từ bạo lực và xúc phạm phụ nữ Trung Quốc. Tuy nhiên, các bài đăng trên Weibo bị kiểm duyệt khác được CNN chụp lại là từ những người dùng bày tỏ lo ngại về bạo lực đối với phụ nữ và kêu gọi mọi người "tiếp tục lên tiếng".

Một số cơ quan truyền thông Trung Quốc khi đưa tin về vụ việc, ban đầu đánh giá thấp hành động quấy rối tình dục của người đàn ông là "cố gắng bắt chuyện". Quan điểm này gây ra phản ứng dữ dội từ các độc giả nữ.

Các nhà chức trách và truyền thông nhà nước đã tìm cách miêu tả vụ tấn công như một sự kiện biệt lập.

Họ chuyển trọng tâm khỏi các vấn đề giới tính sang bạo lực băng nhóm địa phương.

Theo China National Radio, năm trong số các nghi phạm của vụ bạo lực từng có tiền án, từ tội giam giữ người trái phép đến tội cố ý làm hại người khác.

Hôm 12/6, chính quyền Đường Sơn đã phát động một chiến dịch kéo dài hai tuần nhằm truy quét tội phạm có tổ chức.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề về giới

Lv Pin, một nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng của Trung Quốc hiện ở New York, cho biết bằng cách tách vụ tấn công Đường Sơn khỏi lăng kính giới tính, giới chức trách Trung Quốc đang tự tránh xa trách nhiệm mà họ phải gánh chịu. Bởi họ không giải quyết được các vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực trong xã hội.

Mang xa hoi,  Weibo,  Wechat anh 5

Nếu không giải quyết tình trạng áp bức giới có hệ thống, cơn ác mộng bạo lực phụ nữ Trung Quốc sẽ ngày càng nối dài. Ảnh: CNA.

Feng Yuan, người sáng lập nhóm vận động quyền phụ nữ Bình đẳng có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết để loại bỏ bạo lực giới có hệ thống, Trung Quốc nên bắt đầu bằng việc đưa nhiều nội dung hơn về bình đẳng giới vào giáo dục.

“Nó không chỉ là dạy trẻ con các khẩu hiệu và khái niệm trừu tượng, mà còn chỉ cho chúng cách áp dụng vào cuộc sống thực - chẳng hạn như thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau”, Feng cho biết.

Ngoài ra, theo Feng Yuan, cơ quan thực thi pháp luật cũng nên giảm bớt sự thụ động khi giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực giới.

“Trong nhiều vụ bạo lực gia đình, phản ứng của cảnh sát thường chiếu lệ, trong khi một số lượng lớn các vụ tấn công tình dục dễ dàng bị bác bỏ với lý do không có đủ bằng chứng”, Feng nói.

Hình phạt tương đối nhẹ đối với bạo lực giới cũng không đủ sức răn đe những người vi phạm.

Sau vụ tấn công Đường Sơn, người dùng mạng xã hội đã tìm lại các báo cáo của phương tiện truyền thông về vụ việc tương tự xảy ra vào năm 2020.

Tại tỉnh Chiết Giang, một phụ nữ 25 tuổi đã bị nhóm đàn ông đánh đập cho đến ngất xỉu tại một nhà hàng sau khi cô phản kháng hành vi quấy rối tình dục của một người đàn ông.

Cô nằm viện trong 15 ngày, trong khi những người đàn ông bị giam giữ từ 10 đến 13 ngày. Không có khoản bồi thường nào được đề cập.

Chia sẻ với CNN, Tata nói rằng vụ tấn công nữ thực khách ở Đường Sơn cho thấy bạo lực giới có thể xảy ra với bất kỳ ai.

"Phụ nữ Trung Quốc từ lâu đã phải chịu đựng nạn đổ lỗi cho nạn nhân trong bạo lực giới, nhưng những cô gái bị hành hung ở Đường Sơn là những nạn nhân 'hoàn hảo'. Họ không ra ngoài một mình và sự việc xảy ra công khai. Những gì họ làm là cố gắng bảo vệ bản thân và bạn bè. Nhưng mặc dù họ đã làm đúng mọi thứ, họ vẫn phải chịu bạo lực tàn bạo như vậy - đó là điều khiến nhiều người trong chúng ta sợ hãi”, Tata quả quyết.

Người đàn ông Trung Quốc trốn con để thăm vợ nằm viện

Sau khi đi bộ khoảng 8 km, cụ ông đuối sức nên ngồi bệt bên vườn hoa và được cảnh sát phát hiện.

Trung Quốc cấm nhập khẩu cá mú Đài Loan

Giới chức Đài Loan (Trung Quốc) chỉ trích lệnh cấm nhập khẩu cá mú từ hòn đảo này của Bắc Kinh “có động cơ chính trị” và nhằm “tăng cường áp lực lên Đài Bắc".

Thanh Lam

Bạn có thể quan tâm