Gần một năm sau khi các bác sĩ xác định những trường hợp đầu tiên mắc căn bệnh mới đáng lo ngại ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nước này dường như đang đẩy mạnh chiến dịch để gieo rắc hoài nghi về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 toàn cầu.
Truyền thông Trung Quốc đã đưa tin mạnh mẽ về việc virus SARS-CoV-2 được phát hiện trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, vốn không được coi là trung gian lây nhiễm quan trọng ở những nơi khác. Truyền thông cũng nói nhiều đến việc điều tra các trường hợp có thể đã mắc bệnh ở bên ngoài biên giới Trung Quốc trước tháng 12/2019.
Thay đổi câu chuyện
Trong một bài đăng trên Facebook vào tuần trước, Nhân dân Nhật báo tuyên bố rằng "mọi bằng chứng hiện có đều cho thấy virus corona không xuất phát từ Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc".
"Vũ Hán là nơi đầu tiên phát hiện virus corona nhưng không phải là nơi bắt nguồn", Zeng Guang, người từng là nhà dịch tễ học hàng đầu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết.
Bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán hồi tháng 1. Ảnh: AFP. |
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi về việc truyền thông nhà nước đưa tin virus có nguồn gốc bên ngoài nước này, chỉ nói rằng điều quan trọng là phải phân biệt giữa nơi phát hiện đầu tiên và nơi nó vượt qua hàng rào loài để lây nhiễm sang người.
"Dù Trung Quốc là nước đầu tiên ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, điều đó không nhất thiết có nghĩa là virus bắt nguồn từ Trung Quốc", người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo.
"Truy xuất nguồn gốc là một quá trình liên tục có thể liên quan đến nhiều quốc gia và khu vực".
Các nhà khoa học Trung Quốc thậm chí đã gửi một nghiên cứu để xuất bản trên Lancet dù nghiên cứu chưa trải qua bình duyệt. Nghiên cứu khẳng định "Vũ Hán không phải là nơi việc lây truyền Sars-CoV-2 từ người sang người xảy ra đầu tiên", thay vào đó gợi ý rằng trường hợp đầu tiên có thể là ở "tiểu lục địa Ấn Độ".
Các tuyên bố rằng virus có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc không được các nhà khoa học phương Tây tin tưởng. Michael Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuần trước nói lập luận cho rằng căn bệnh này không xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc "mang tính suy đoán cao".
"Rõ ràng là từ góc độ y tế công cộng, bạn bắt đầu điều tra ở nơi các trường hợp trên người lần đầu tiên xuất hiện", ông nói trong một cuộc họp báo tại Geneva.
Giáo sư Jonathan Stoye, nhà virus học tại Viện Francis Crick ở London, cho biết báo cáo về việc Covid đã xuất hiện ở Italy vào mùa thu năm 2019, dựa trên các mẫu từ một đơn vị ung thư, có vẻ "yếu ớt".
"Dữ liệu huyết thanh học [từ Italy] rất có thể được giải thích bằng các kháng thể phản ứng chéo chống lại các loại virus corona khác", ông nói. Nói cách khác, kháng thể được tìm thấy trong các trường hợp ở Italy đã được kích hoạt ở những cá nhân đã bị nhiễm các loại virus corona khác, không phải Covid-19.
"Điều có vẻ chắc chắn là những trường hợp đầu tiên được ghi nhận mắc bệnh là ở Trung Quốc. Do đó, nhiều khả năng là virus có nguồn gốc từ Trung Quốc", ông Stoye nói thêm.
Và trong khi dấu vết của virus corona được tìm thấy trên bao bì thực phẩm đông lạnh, các nhà khoa học cho rằng đây là nguy cơ rất thấp đối với một căn bệnh hiện được cho là lây truyền mạnh qua các giọt đường hô hấp.
Một xét nghiệm dương tính "không cho thấy virus có thể lây nhiễm mà chỉ là một số tín hiệu từ virus hiện diện trên bề mặt đó", Andrew Pekos, làm việc tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg tại Đại học Johns Hopkins, nói với AP.
"Tôi không thấy dữ liệu thuyết phục nào cho thấy Sars-CoV-2 trên bao bì thực phẩm gây ra nguy cơ lây nhiễm đáng kể", ông nói.
Song khi thiệt hại về con người và kinh tế do đại dịch ngày càng gia tăng, Bắc Kinh muốn bảo vệ danh tiếng của mình ở trong và ngoài nước. Covid-19 hiện đã lây nhiễm cho hơn 60 triệu người và giết chết gần 1,5 triệu người.
Uy tín quốc tế
Kể từ khi phục hồi sau sự tàn phá của đợt bùng phát đầu tiên, Trung Quốc đã tìm cách củng cố vị thế của mình ở nước ngoài bằng viện trợ y tế.
Họ cũng đang quảng cáo một số loại vaccine mà họ có trong giai đoạn phát triển cuối cùng như một phần đóng góp cho "lợi ích toàn cầu", trợ giúp về sản xuất và tài trợ cho việc tiêm chủng.
Song sự bất bình về vai trò của Bắc Kinh trong sự bùng phát đại dịch cuối cùng có thể là vấn đề khó giải quyết hơn chính bản thân căn bệnh cho Trung Quốc.
Nhân viên y tế tình nguyện tại Vũ Hán. Ảnh: AFP. |
"Trung Quốc vẫn đang vật lộn để đối phó với thực tế rằng họ phải chịu trách nhiệm về sự bùng phát đầu tiên, việc đang gây cản trở cho gần như mọi nỗ lực cứu vãn hình ảnh của họ", Andrew Small, học giả về Trung Quốc và là nghiên cứu viên cấp cao tại German Marshall Fund, một tổ chức tham vấn chính sách của Mỹ, bình luận.
"Những tháng gần đây đã cho thấy tác động lớn mà đại dịch gây ra cho Trung Quốc về mặt dư luận quốc tế".
Ông không cho rằng giới chức Trung Quốc có bất cứ hoài nghi nào về nguồn gốc của virus, đồng thời xem việc tập trung loan tin về những nơi khác có thể là nguồn gốc là một chiến dịch tuyên truyền.
Ở trong nước, Bắc Kinh đã thúc đẩy thành công to lớn trong việc chống dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Trên bình diện quốc tế, mục tiêu của Trung Quốc có lẽ bao gồm việc gieo rắc nghi ngờ cho những người có thể tin vào điều đó, biến những sự thật cơ bản thành một "vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị" trong quan hệ với Bắc Kinh, ông Small nói.
Việc Trung Quốc đặt câu hỏi về nguồn gốc của virus ở Vũ Hán có thể đáng tin hơn nếu họ hỗ trợ một cuộc điều tra độc lập về căn bệnh này, nhưng thay vào đó, các nhà chức trách đã nhiều lần tìm cách ngăn cản.
Các nhà điều tra của WHO từng đến Vũ Hán vào đầu năm nay đã không thể tới khu chợ có liên quan đến đợt bùng phát đầu tiên. Một nhóm mới dự kiến sớm đến Trung Quốc để tiếp tục công việc của đội ngũ Trung Quốc, nhưng họ vẫn chưa định được ngày khởi hành. WHO chỉ nói rằng họ sẽ đi "vào thời gian thích hợp".
Hiểu được nguồn gốc của Covid-19 là việc quan trọng đối với những nỗ lực tiếp theo nhằm ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đang tập trung cho việc tìm người chịu trách nhiệm về dịch bệnh, thay vì tìm hiểu nguyên nhân.