Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ trước khi vào một khu chung cư bị phong tỏa tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức cho biết Trung Quốc sẽ ngừng xác định những trường hợp F2 trở lên, chỉ xác định những người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân Covid-19, theo Reuters.
“Khi các biến thể virus mới tiếp tục xuất hiện, khi kiến thức về căn bệnh này ngày càng sâu sắc và tình hình dịch bệnh thay đổi cả trong và ngoài nước, chúng tôi không loại trừ khả năng tối ưu hóa hơn nữa và điều chỉnh các biện pháp kiểm dịch”, Wang Liping, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo hôm 12/11 tại Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng nới lỏng một số quy định nghiêm ngặt, bao gồm rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần và khách du lịch nội địa. Theo quy định mới, thời gian cách ly tập trung đã được rút ngắn từ 7 xuống còn 5 ngày. Yêu cầu cách ly thêm 3 ngày tại nhà sau khi cách ly tập trung vẫn được giữ nguyên.
Động thái này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của thị trường kinh tế.
“Các biện pháp này sẽ giảm bớt các nút thắt, bao gồm tình trạng thiếu phòng cách ly và nhân viên truy vết tiếp xúc”, Lei Haichao, phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo.
Ông Lei lưu ý rằng Trung Quốc có số giường bệnh trên đầu người ít hơn nhiều so với các nước phát triển. Do đó, Trung Quốc sẽ tuân thủ cách tiếp cận theo định hướng phòng ngừa nhằm “càng ít ca nhiễm, càng ít trường hợp nghiêm trọng, nguy kịch càng tốt”.
Những quyết định trên được đưa ra bất chấp số ca nhiễm tăng vọt lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 4. Theo dữ liệu được công bố ngày 12/11, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát ở những thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu, Trùng Khánh.
Các biện pháp hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt đã làm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị đình trệ nghiêm trọng. Người dân phải đối mặt với các biện pháp phong tỏa, cách ly, xét nghiệm thường xuyên và việc đi lại bị gián đoạn. Các hoạt động công nghiệp cũng phải đối mặt với sự khó khăn tương tự.
Goldman Sachs cho biết vẫn có những rủi ro trong tăng trưởng kinh tế ngắn hạn của Trung Quốc khi một số thành phố lớn báo cáo số ca nhiễm gia tăng.
“Tuy nhiên, có những tín hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo đất nước đang chuẩn bị cho việc kết thúc chính sách Zero Covid vào một thời điểm nào đó trong năm sau”, Goldman Sachs nhận định.
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách được kết cấu thành 2 phần, bắt đầu với việc phác thảo bối cảnh lịch sử diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này.