Theo Hollywood Reporter, sau thời gian ảm đạm vì đại dịch, Trung Quốc kết thúc năm 2021 với tư cách là thị trường phim chiếu rạp lớn nhất thế giới.
Tổng doanh thu phòng vé ở nước này đạt 47,3 tỷ NDT (khoảng 7,3 tỷ USD), cao gấp đôi so với tổng doanh thu năm 2020. Con số này chỉ giảm 26% so với mức cao nhất trước đại dịch là 9,2 tỷ USD (64,3 tỷ NDT) vào năm 2019, theo dữ liệu từ công ty theo dõi phòng vé Artisan Gateway.
Spider-Man: No Way Home chưa có kế hoạch phát hành ở Trung Quốc dù rầm rộ ở nhiều quốc gia. Ảnh: Sony. |
Điện ảnh Trung Quốc tiếp tục nắm ngôi vương
Trong khi đó, doanh thu tại phòng vé nội địa Bắc Mỹ, nơi ngành công nghiệp đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng bởi ảnh hưởng của đại dịch, chỉ ở mức 4,5 tỷ USD, giảm gần 60% so với năm 2019.
Tệ hơn nữa với ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ, chỗ đứng của Hollywood tại thị trường khổng lồ đang dần mất chỗ đứng. Phim Mỹ chỉ chiếm 12% tổng doanh thu phòng vé của Trung Quốc, tương đương 899 triệu USD, giảm 30% so với con số 2,8 tỷ USD của năm 2019.
Trước đây, thời kỳ bùng nổ nhất của phim Mỹ tại Trung Quốc là 2000-2010. Thị phần hàng năm của các tác phẩm Hollywood ở xứ tỷ dân là 30-50%.
Chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng nhất với Hollywood ở Trung Quốc năm 2021 là sự khan hiếm tác phẩm tại rạp chiếu địa phương. Trong năm qua, chỉ có 20 bộ phim Mỹ ra mắt ở Trung Quốc so với con số tiêu chuẩn là 31 vào năm 2019.
Việc hoãn phát hành phim của Hollywood là trở ngại của các hãng phim trong nửa đầu năm nay. Đến hè, khi hàng loạt tác phẩm bom tấn ra đời, các bộ phim vẫn không thể tiếp cận rạp chiếu Trung Quốc bởi nhiều lý do.
Hàng loạt phim như Black Widow, Eternals, Shang-Chi, Venom: Let There Be Carnage hay gần nhất là và Spider-Man: No Way Home của Sony đều không thể kiếm tiền ở thị trường tiềm năng nhất thế giới.
Thị trường Trung Quốc trong năm qua chứng kiến thành công của Hồ Trường Tân, Thám tử phố Tàu 3 và Xin chào, Lý Hoán Anh. Ảnh: Global Times, Sina. |
Trong khi đó, ngành công nghiệp nội địa Trung Quốc tiếp tục phục hồi đáng kể sau giai đoạn đại dịch căng thẳng. Có đến 472 bộ phim được phát hành năm 2021, vượt con số 428 tác phẩm ở mức trước đại dịch. Tổng doanh thu từ các tác phẩm nội địa đạt 39,9 tỷ NDT (6,19 tỷ USD), chỉ kém con số 41,2 tỷ USD của năm 2019.
Tám trong số 10 bộ phim lớn nhất năm của Trung Quốc đều là phim nội địa, dẫn đầu là Hồ Trường Tân (899 triệu USD), Xin chào, Lý Hoán Anh (822 triệu USD) và Thám tử phố Tàu 3 (686 triệu USD). Những bộ phim kiếm nhiều tiền nhất ở thị trường tỷ dân là F9 (216,9 triệu USD), Godzilla vs. Kong (188,7 triệu USD) và Free Guy (94,8 triệu USD).
Rance Pow, chủ tịch của Artisan Gateway, nói: “Thành công của Hồ Trường Tân tạo ra hiệu ứng tốt cho những tác phẩm nội địa. Ba yếu tố thúc đẩy sự trỗi dậy của điện ảnh Trung Quốc là nhận thức của khán giả, chất lượng sản phẩm gia tăng và khả năng tiếp thị, sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng”.
Ngành công nghiệp phim ảnh Trung Quốc cũng hưởng lợi từ việc tăng giá vé. Con số 40,5 NDT (6,37 USD) tăng 8% so với 37,1 NDT của năm 2019. Các rạp chiếu phim mới liên tục được xây dựng với tốc độ chóng mặt, với hơn 6.700 rạp chiếu, nâng tổng số lượng lên đến 82.248 rạp trên toàn quốc.
Theo Hollywood Reporter, hầu hết việc xây mới được diễn ra ở vùng nông thôn, nơi các bộ phim Hoa ngữ được tiếp đón nồng nhiệt nhất.
Cuộc đua của hai thị trường phim ảnh lớn nhất thế giới
Theo Variety, những tháng đầu tiên của năm 2021, phòng vé khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng đến 64% để đạt con số 822 triệu USD, theo số liệu của S&P Global Market Intelligence. Lợi nhuận phòng vé bất chấp tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 với hoạt động của rạp chiếu và lịch phát hành phim. Trong đó, công sức lớn thuộc về thị trường Trung Quốc.
Đáng nói, S&P Global Market Intelligence theo dõi hiệu suất phòng vé ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia trong 11 tháng đầu tiên, bỏ qua màn ra mắt mạnh mẽ của Spider-Man: No Way Home. Variety cho rằng điều đó không quá ảnh hưởng bởi No Way Home chưa có kế hoạch phát hành ở Trung Quốc, thậm chí tương lai không được ra rạp ở xứ tỷ dân.
Con số trên phản ánh hiệu suất phòng vé tương phản giữa Trung Quốc và các thị trường điện ảnh khác. Trong khi doanh thu của Trung Quốc tăng gấp đôi, các thị trường khác đều sụt giảm. Doanh thu của Nhật Bản giảm 26%, chỉ còn 698 triệu USD, phòng vé Hàn Quốc tăng 11% lên 438 triệu USD và Australia phục hồi ở mức 59% lên 640 triệu USD so với năm 2020.
Trước khi dịch Covid-19 ập đến, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là thị trường phòng vé lớn thứ hai, thứ ba và thứ tư trên thế giới, chỉ sau Bắc Mỹ. Sau một năm bết bát vì đại dịch, Bắc Mỹ đã nhường ngôi vương cho thị trường xứ tỷ dân.
Trung Quốc gần như "bơ" phim do Hollywood sản xuất, trong đó có Shang-Chi - tác phẩm nói về siêu anh hùng người Trung Quốc, có dàn sao Hoa ngữ góp mặt. Ảnh: Disney Studios. |
Theo Gower Street Analytics, Trung Quốc chiếm 34% tổng doanh thu phòng vé toàn cầu, so với con số 28% vào năm 2020. Mỹ đứng vị trí thứ hai với 22% thị phần.
Song, công ty phân tích dữ liệu dự đoán Bắc Mỹ đang tìm cách giành lại ngôi vương phòng vé. Con số 4,2 tỷ USD trong năm 2021 sẽ tăng lên 9,2 tỷ USD vào năm 2022. Theo tính toán, Trung Quốc rất có thể tụt lại vị trí thứ hai khi mức tăng dự đoán là từ 7,2 tỷ USD lên 8,2 tỷ USD.
“Đó là cuộc đua thực sự, chưa biết ai sẽ giành ngôi vương. Điều đó phụ thuộc vào cách Bắc Mỹ phát triển giai đoạn tiếp theo trong đại dịch thế nào. Thực tế Mỹ có cơ hội phát triển nhiều hơn vào năm 2022”, Frank Perikleous, chuyên gia của Comscore nói.
Theo Variety, thế giới điện ảnh đang chia ra thành hai lĩnh vực tách biệt. Năm vừa qua chứng kiến điện ảnh Trung Quốc ngày càng bị ảnh hưởng bởi các bộ phim theo chủ nghĩa yêu nước. Xứ tỷ dân cũng quản lý số lượng phim nhập khẩu, những tựa phim nào được quyền phát hành.
Trong khi đó, ngành công nghiệp rạp chiếu tại Hollywood và nhiều quốc gia khác là cuộc đua giữa các xưởng phim truyền thống và những gã khổng lồ phát trực tuyến.
Chuyên gia Michael Nathanson dự đoán rằng ngành công nghiệp phim ảnh đạt đỉnh vào năm 2022 hoặc năm 2023, sau đó sẽ giảm dần. Thế giới rất có thể không cần nhiều rạp chiếu vì sự trỗi dậy mạnh mẽ của lĩnh vực phát trực tuyến.