Bloomberg hôm nay đưa tin, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã thông báo trên website về việc sẽ cắt giảm lãi suất huy động và cho vay kỳ hạn một năm kể từ ngày mai. Theo đó, lãi suất huy động từ mức 1,75% sẽ giảm xuống còn 1,5%, còn lãi suất cho vay từ 4,6% xuống còn 4,35%.
Ngoài ra, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng giảm 0,5% đối với hệ thống ngân hàng lớn, xuống còn 17,5%. Riêng các tổ chức cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức cắt giảm là 1%.
Trung Quốc đang có những động thái nhằm thực hiện chiến lược tự do hóa lãi suất. Ảnh: Getty Image. |
Theo các chuyên gia của Bloomberg, mục đích chính sách điều hành trên là nhằm thúc đẩy tăng trưởng, để đạt được mục tiêu 7% trong năm 2015. Ngoài ra, việc nới chính sách tiền tệ cũng sẽ hỗ trợ nền kinh tế trong điều kiện Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ giảm phát, thừa cung, nhưng lại khó khăn trong mở rộng thị trường xuất khẩu.
Wall Street Journal cho hay, đây là lần thứ 6 kể từ tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định hạ lãi suất. Thậm chí, cơ quan này còn cho biết, sẽ thực hiện bãi bỏ trần lãi huy động và cho vay, mở đường cho việc thực thi chính sách tự do hóa lãi suất.
Tuy vậy, các quan chức PBOC cho biết, việc thả nổi lãi suất ở nước này sẽ diễn ra từ từ, do lo ngại có thể dẫn đến việc các ngân hàng cho vay tràn lan ở các ngành rủi ro, đầu tư vốn không hiệu quả, trong khi các doanh nghiệp cần cấp thêm tín dụng lại phải tiếp cận với chi phí cao.
"Đó là một thách thức lớn cho các ngân hàng thương mại. Bởi họ phải tự quyết định giá cả cho chính đồng vốn của mình, nhằm hấp dẫn người vay mà vẫn đảm bảo thu lợi. PBOC chắc chắc sẽ vẫn tiếp tục có những chỉ dẫn cụ thể trong thời gian tới", một quan chức cấp cao của PBOC cho biết.
Theo giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell, cựu lãnh đạo của IMF ở Trung Quốc, động thái này sẽ loại bỏ một trong những trở ngại cuối cùng còn lại, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). "Trung Quốc sẽ dễ thuyết phục IMF đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ trong cuộc bầu chọn diễn ra vào tháng 11 tới, với chính sách thả nổi này".
Bloomberg ngay sau đó cho biết, đại diện IMF đã lập tức khẳng định với Trung Quốc rằng, đồng nhân dân tệ có thể sẽ sớm tham gia giỏ tiền tệ của quỹ này sau động thái trên. Nếu trở thành đồng tiền cơ cấu trong quyền rút vốn đặc biệt SDR, đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ được sử dụng rộng rãi hơn trên thế giới, và có thể trở thành một trong những đồng tiền có sức mạnh chi phối nền kinh tế toàn cầu.