Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng lớn nhất đất nước hạ lãi suất huy động ít nhất là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một năm. Động thái này nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Cụ thể, vào tuần trước, các ngân hàng quốc doanh bao gồm Bank of China, Industrial & Commercial Bank of China và Bank of Communications đã được kêu gọi cắt giảm lãi suất đối với một loạt sản phẩm, trong đó có 5 điểm cơ bản đối với tiền gửi không kỳ hạn, ít nhất 10 điểm cơ bản đối với tiền gửi kỳ hạn 3 và 5 năm.
Các ngân hàng đang cân nhắc yêu cầu từ phía ngân hàng trung ương, và có thể điều chỉnh lãi suất sớm nhất trong tuần này. Nguồn tin của Bloomberg cho biết yêu cầu này là không bắt buộc.
Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã được kêu gọi cắt giảm lãi suất đối với một loạt sản phẩm tiền gửi. Ảnh: Bloomberg. |
Nỗ lực thúc đẩy kinh tế
Các nhà băng lớn của Trung Quốc hiện trả lãi 0,25%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn, 2,6%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 3 năm và 2,65%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 5 năm.
Việc cắt giảm lãi suất huy động sẽ cởi bỏ áp lực cho các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, vốn đang tìm cách cân bằng giữa lợi nhuận và các chỉ thị từ phía Bắc Kinh nhằm thúc đẩy cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp thúc đẩy nền kinh tế sau 3 năm đối phó với đại dịch, cuộc trấn áp đối với ngành công nghệ và bất động sản của nước này.
Industrial & Commercial Bank of China nằm trong số các ngân hàng quốc doanh lớn được kêu gọi cắt giảm lãi suất tiền gửi. Ảnh: Bloomberg. |
Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy đà phục hồi kinh tế đã giảm tốc. Giới chức Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy hoạt động tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế.
Sau khi tăng đột biến trong quý I, hoạt động tín dụng và các khoản vay mới đã suy yếu trong tháng 4 do người tiêu dùng và doanh nghiệp hạn chế vay mượn.
Thay vì vay nợ nhiều hơn, các hộ gia đình đang tăng tiết kiệm và thậm chí trả nợ trước hạn khoản vay mua nhà. Trong khi đó, các doanh nghiệp đối mặt với tình trạng nhu cầu sụt giảm kéo tụt lợi nhuận.
Vì sao người tiêu dùng Trung Quốc ngại chi tiêu?
Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đã bị bào mòn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dư nợ tiêu dùng ngắn hạn giảm mạnh so với mức đỉnh hồi cuối năm 2019. Thay vào đó, khoản tiết kiệm của các hộ gia đình phình to.
Theo chuyên gia phân tích Judy Zhang của Citigroup, các chủ nhà Trung Quốc có thể đã trả trước 4.680 tỷ nhân dân tệ khoản vay thế chấp vào năm ngoái.
Bà cho biết một số người có thể tận dụng các khoản vay tiêu dùng và kinh doanh lãi suất thấp để trả nợ.
Tâm lý e ngại khiến người tiêu dùng Trung Quốc ngại chi tiêu, tăng tiết kiệm và tìm cách giảm bớt khoản vay. Ảnh: Reuters. |
Đợt cắt giảm lãi suất huy động gần nhất đối với mọi sản phẩm tiền gửi của các ngân hàng lớn, bao gồm Industrial & Commercial Bank of China và Bank of China, là vào tháng 9/2015.
Sau đó, các nhà băng nhỏ hơn cũng đã cắt giảm lãi suất đối với một số sản phẩm tiền gửi kỳ hạn khác nhau.
Với việc hạ lãi suất huy động, chi phí của ngân hàng sẽ giảm đi. Điều này có thể cho phép họ cắt giảm lãi suất cho vay trong một thời gian.
Động thái này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng và doanh nghiệp vay vốn. Thêm vào đó, lãi suất huy động giảm đi cũng khiến người tiêu dùng không còn muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.