Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc thu mua hạt na ở Lạng Sơn

Gần hai tháng nay, nhiều thương lái huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) thu mua hạt na bán sang Trung Quốc với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Người dân vừa nhặt hạt bán, vừa hoang mang.

Bà Lê Thanh Bình, tiểu thương buôn bán hoa quả tại chợ Chi Lăng (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) cho biết, khoảng giữa tháng 8 vào vụ thu hoạch na. Khác với mọi năm, thương lái ngoài thu mua quả, còn mua cả hạt. Trước đây người dân ăn na xong vứt hạt thì nay thu gom lại, đem rửa sạch, phơi khô, dồn lại chờ thương lái đến tận nhà mua, giá khoảng 100.000 đồng. “Sang đến Trung Quốc thì giá có thể được gấp đôi, thập chí gấp ba”, bà Bình cho biết.

Nhiều người dân kéo nhau vào rừng na nhặt hạt bán kiếm lời. Một người khoe: “Dưới gốc cây na thường có nhiều hạt do quả na rơi xuống, thối rữa để lại. Đây đang là cuối vụ, quả thối rụng nhiều, có buổi chúng tôi nhặt được một kg hạt. Ở đây không có nghề gì khác nên chúng tôi rủ nhau đi nhặt hạt na”.

Người dân lo lắng việc thu mua này sẽ ảnh hưởng đến thị trường na Chi Lăng, loại cây xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Người dân lo lắng việc thu mua này sẽ ảnh hưởng đến thị trường na Chi Lăng, loại cây xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Theo người dân, tiểu thương thu gom về sẽ đóng vào bao tải, dùng xe ô tô chở thẳng sang Trung Quốc bán. “Nghe nói họ thu mua hạt về để ươm giống, đợi đến mùa xuân tới sẽ trồng cây”, một tiểu thương cho hay.

Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết, cây na bắt đầu được trồng ở đây từ năm 1986, do một dòng họ ở Hoài Đức, Hà Nội di cư mang theo. Giống na này trồng ở Hoài Đức không cho chất lượng tốt, nhưng khi mang lên Chi Lăng, do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cho quả to, ăn ngọt, bùi, giá trị kinh tế cao.

Tổng giá trị sau mỗi vụ thu hoạch trên toàn huyện vào khoảng 100 tỷ đồng.
Riêng xã Chi Lăng, khoảng 80% người dân trồng na, nhiều thì vài ha, ít cũng mấy sào. “Trước đây địa phương tôi rất nghèo, ngoài trồng lúa không có cây gì mang lại hiệu quả kinh tế. Độ chục năm nay, cây na phát triển, được người tiêu dùng trong nước và Trung Quốc biết đến ưa chuộng nên kinh tế nơi này phát triển theo. Nhiều gia đình thoát nghèo, có gia đình trở nên giàu có nhờ cây na”, ông Khai cho biết. 

Thời gian đúng vụ, giá một kg na dao động từ 25.000 đến 35.000 đồng. Cuối vụ như hiện nay, giá cao đến 70.000 đồng/kg. Trước thông tin người Trung Quốc thu mua hạt na về ươm giống, người dân địa phương lo lắng sau vài năm nữa giống na Chi Lăng sẽ phải cạnh tranh với chính “người anh em” của mình khi lứa cây mới trồng cho thu hoạch. 

Bà Bình cho biết các thương lái thu mua hạt na bán sang Trung Quốc từ khoảng 2 tháng nay.

Bà Bình cho biết các thương lái thu mua hạt na bán sang Trung Quốc từ khoảng 2 tháng nay.

Ông Khai cho biết, tại một số vùng nông thôn Trung Quốc, khu vực giáp với Lạng Sơn, chưa có sự xuất hiện của cây na. Tuy nhiên, ông khá bình tĩnh cho rằng, giống na Chi Lăng rất kén đất, không phải khí hậu, thổ nhưỡng nào cây cũng thích hợp, phát triển tốt, cho quả to, ngon. 

“Một số địa phương lân cận đem giống na này về trồng nhưng không cho quả chất lượng. Bởi vậy, dù Trung Quốc có đem giống na này về trồng, tôi tin cũng không ngon bằng na trồng ở đây. Tuy nhiên nguy cơ na của họ làm ảnh hưởng mình là rất lớn”, ông Khai nói. 

Chính quyền xã cũng đang kiểm tra, rà soát, vận động người dân không nên bán hạt na sang Trung Quốc và đề nghị các cơ quan chức năng trong tỉnh có biện pháp bảo vệ thương hiệu na Chi Lăng.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết:

Trước thông tin Trung Quốc thu mua hạt na, bà chưa nhận được báo cáo chính thức từ địa phương. Tuy nhiên bà Nhàn sẽ kiểm tra lại thông tin, nếu tình trạng hạt na được người Trung Quốc thu mua, cơ quan chức năng nông nghiệp tỉnh sẽ nghiên cứu biện pháp để trong tương lai, thương hiệu na Chi Lăng không bị ảnh hưởng.

Năm 2011, Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam trao Quyết định Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho na Chi Lăng. Đây là cơ sở pháp lý để giống na này phát triển thương hiệu, chống vi phạm bản quyền nhãn hiệu từ các giống na ở địa phương khác.

Vì sao người miền Tây đổ xô đi bắt ốc bươu vàng?

Bắt ốc bươu vàng - nghề "làm chơi ăn thật" ở miền Tây - vừa mang về thu nhập, vừa tiêu diệt loài sinh vật có hại cho môi trường.

http://baophapluat.vn/tieu-dung-du-luan/trung-quoc-thu-mua-hat-na-o-lang-son-199770.html

Theo Minh Hữu/ Pháp luật Việt Nam

Bạn có thể quan tâm