Global Times khẳng định 5 người Ấn Độ bị bắt giữ là nhân viên tình báo, cải trang làm thợ săn. Tờ báo cũng phủ nhận những cáo buộc lực lượng Trung Quốc bắt cóc thường dân Ấn Độ.
Các công dân Ấn Độ mất tích tại tỉnh Arunachal Pradesh, giáp ranh Tây Tạng. Ngày 8/9, một bộ trưởng phía Ấn Độ thông báo quân đội Trung Quốc đã tìm thấy những người này trong lãnh thổ Trung Quốc.
Nhóm công dân Ấn Độ mất tích cùng thời điểm xảy ra một vụ đối đầu căng thẳng ở khu vực tranh chấp biên giới hai nước trên dãy Himalaya. Vụ việc xảy ra nổ súng nhưng chỉ là bắn cảnh cáo. Ấn Độ và Trung Quốc đổ lỗi lẫn nhau về vụ việc.
Xe quân sự Ấn Độ trên tuyến đường Srinagar - Ladakh hôm 1/9. Ảnh: AP. |
Ngày 10/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Subrahmanyam Jaishankar phía Ấn Độ ra tuyên bố chung đồng ý giảm căng thẳng tại khu vực.
Reuters cho biết Bộ trưởng Jaishankar đã bày tỏ quan ngại sâu sắc với ông Vương về việc Trung Quốc gia tăng lực lượng gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), ranh giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực tranh chấp. Nguồn tin khẳng định "phía Trung Quốc không đưa ra được cách giải thích đáng tin cậy về việc triển khai".
Trong khi đó, chủ biên Global Times nhận định trên tài khoản cá nhân rằng cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Ngoại giao các nước tại Moscow đã "đóng vai trò tích cực trong hạ nhiệt tình hình".
Tình hình biên giới Ấn - Trung căng thẳng trong nhiều tháng qua. Lực lượng hai nước ngày 15/6 đụng độ tại thung lũng Galwan khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc đến nay không tiết lộ số thương vong.
Truyền thông Trung Quốc tuần này tiết lộ Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cho lính dù tập trận ở Tây Tạng. Global Times đêm 10/9 còn đe dọa mọi đối thoại với Ấn Độ cần đi kèm "sẵn sàng chiến tranh". Hai nước đã tăng quân và triển khai máy bay chiến đấu áp sát biên giới.