Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3, tác động trực tiếp đến các ấn phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình và trò chơi trực tuyến.
Các điều khoản bổ sung thêm quyền hạn pháp lý của chính phủ Trung Quốc trên mạng Internet, trao thêm quyền lực cho cảnh sát mạng để khẳng định hơn nữa "chủ quyền không gian mạng" của quốc gia.
"Chủ quyền không gian mạng" là mục tiêu trọng tâm trong việc quản lý Internet của chính quyền Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Chỉ thị mới được ban hành bởi Tổng cục Phát thanh, Truyền hình và Điện ảnh Nhà nước và Bộ Công nghiệp - Tin học hóa, theo đó nghiêm cấm bất cứ cơ quan truyền thông nước ngoài nào tham gia xuất bản tin tức trực tuyến tại Trung Quốc
Đây không phải là điều gì quá mới. Trước đó, nhiều trang tin tức quốc tế như Financial Times, New York Times, Reuters... xuất bản các ấn phẩm bằng ngôn ngữ Trung Quốc nhưng đã bị chặn tại quốc gia này.
Các cơ quan truyền thông nước ngoài chỉ được xuất bản tin tức khi đã hợp tác với các công ty Trung Quốc có trụ sở tại đại lục và được chính quyền cấp phép trước thời điểm quy định này có hiệu lực.
Trước đó, vào năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã ban hành các quy định hạn chế vai trò lãnh đạo của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực báo chí - xuất bản, xuất - nhập khẩu các tác phẩm điện ảnh tại Trung Quốc.
Quy định mới được cho là sẽ có ít ảnh hưởng đến các phương tiện truyền thông nước ngoài đang hoạt động. Tuy nhiên, nó cho thấy quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề kiểm soát và loại bỏ các quan điểm bất đồng. Trung Quốc có khoảng hai triệu công an mạng duy trì an ninh trên Internet cũng như kiểm duyệt tin tức.
An ninh mạng tại Trung Quốc khó khăn trong việc kiểm duyệt khi người dân bắt đầu quen với việc sử dụng các mạng riêng ảo. Ảnh: usnews.com. |
Bằng cách ngăn chặn truyền thông quốc tế xuất bản, quy định mới cũng khuyến khích các cơ quan báo chí Trung Quốc phát hành các dịch vụ xuất bản trực tuyến.
Baidu là một trong những tên tuổi được hưởng lợi nhiều nhất nhờ chính sách của Bắc Kinh, sau khi Google rút lui khỏi dịch vụ tìm kiếm tại quốc gia này.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cũng khá đau đầu với vấn đề kiểm duyệt Internet. Người dân tại đây bắt đầu thận trọng hơn trong việc sử dụng Internet. Một số người tẩy chay Baidu vì sự hợp tác của công ty này với chính quyền. Số khác sử dụng các mạng riêng ảo VPN để tiếp xúc với tin tức quốc tế.
Gần đây nhất, khi nổ ra vụ rò rỉ Tài liệu Panama, người dân Trung Quốc không thể tiếp cận với thông tin này do bị chặn trên Internet cũng như sự thận trọng trong việc đề cập của truyền thông nhà nước. Khi gõ cụm từ "Panama papers", công cụ sẽ trả về cảnh báo "kết quả có thể không phù hợp với luật pháp và các quy định liên quan nên không được hiển thị”.