Giữa tháng 9, NVIDIA công bố đạt thỏa thuận mua lại ARM, công ty thiết kế chip bán dẫn của Anh với giá 40 tỷ USD. Đây là thương vụ lịch sử với giá trị cao nhất trong ngành bán dẫn.
Việc mua lại ARM sẽ khiến NVIDIA trở thành gã khổng lồ với vị thế hàng đầu trong ngành bán dẫn. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, để hoàn tất thủ tục thì thương vụ này sẽ phải được thông qua ở nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Theo nhận định của cựu Giám đốc Công nghệ Lenovo Ni Guangnan, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chặn đứng thương vụ này.
"Tôi tin là Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ từ chối thông qua thương vụ", ông Ni chia sẻ ở một hội thảo công nghệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Cơ quan quản lý độc quyền của Trung Quốc có thể từ chối thông qua thương vụ với lo ngại độc quyền trong nguồn cung thiết kế chip. Tuy nhiên, theo ông Ni, người cổ vũ cho việc tự chủ công nghệ của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ cảm thấy "không thoải mái" với việc ARM hoàn toàn thuộc về NVIDIA, một công ty Mỹ.
"Thương vụ này hoàn thành sẽ là tin rất tệ cho Trung Quốc", ông Ni nhận định.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây đã dẫn đến những lệnh cấm vận về công nghệ. Sau khi cấm xuất khẩu công nghệ cho Huawei vào năm 2019, Mỹ lại hạn chế nguồn cung bán dẫn với Huawei vào tháng 8 năm nay. Gần đây nhất, Mỹ đưa ra hạn chế đối với công ty gia công chip lớn nhất Trung Quốc SMIC.
ARM là công ty của Anh, nhưng được SoftBank của ông trùm Son Masayoshi mua lại vào năm 2016. Ảnh: Financial Times. |
Ông Ni cho rằng Intel và ARM là 2 cái tên đứng đầu ngành thiết kế chip hiện nay. Intel nổi bật ở mảng chip cho máy tính. Trong khi các thiết kế của ARM thống trị trên di động và các thiết bị IoT.
Khi Mỹ đưa ra lệnh cấm với Huawei vào tháng 5/2019, ARM đã yêu cầu nhân viên của mình ngừng giao dịch với Huawei. Tuy nhiên, công ty này sau đó quyết định tiếp tục làm việc với Huawei vì cho rằng công nghệ của mình thuộc về Anh chứ không phải Mỹ.
ARM cũng có một chi nhánh tại Trung Quốc, với khoảng 200 khách hàng. Theo Reuters, khoảng 20% doanh thu của ARM tới từ các công ty Trung Quốc.
Các lệnh cấm của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc phải đẩy nhanh quá trình tự chủ công nghệ. Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng. Ông Ni cũng thừa nhận công nghệ bán dẫn là điểm yếu của Trung Quốc.
"Chúng ta đang phải đối mặt với nhiệm vụ tạo ra hệ sinh thái thông tin, chứ không phải là một công nghệ hay sản phẩm đơn lẻ", cựu lãnh đạo của Lenovo chia sẻ.