Theo CNN, chỉ một năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết dành năm 2021 để kiểm soát những doanh nghiệp tư nhân nắm quá nhiều quyền lực và đem lại rủi ro lớn.
Kể từ đó tới nay, giới chức Bắc Kinh đã mạnh tay chấn chỉnh các gã khổng lồ Internet của đất nước. Hàng nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của những tập đoàn hàng đầu bị bốc hơi.
Những gọng kìm đối với lĩnh vực bất động sản cũng khiến các tập đoàn địa ốc của Trung Quốc lao đao. Trong những năm qua, họ đã vay nợ để mở rộng ồ ạt. Lĩnh vực bất động sản - chiếm gần 30% GDP đất nước - đang lao dốc nghiêm trọng.
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng vì các đợt bùng phát Covid-19 mới, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng năng lượng và bất động sản. Ảnh: Reuters. |
Một năm kìm kẹp
Trung Quốc là nền kinh tế duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020. Nhưng đà tăng đã chững lại vào năm 2021. Nguyên nhân là các đợt bùng phát Covid-19 mới, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng năng lượng và bất động sản.
Các thách thức kinh tế đã đẩy Bắc Kinh vào thế khó. Giới chức Trung Quốc buộc phải cân nhắc lại chính sách. Trong một cuộc họp chủ chốt đầu tháng này, những lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc nhấn mạnh rằng "ổn định" là ưu tiên hàng đầu của đất nước trong năm 2022.
"Việc tập trung vào mục tiêu 'ổn định' cho thấy các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về nguy cơ bất ổn", ông Larry Hu - nhà kinh tế trưởng tại Macquarie Group - nhận định.
"Một năm kìm kẹp đã làm tổn hại đến niềm tin của các doanh nghiệp. Giờ là lúc giới chức Trung Quốc cần nhẹ tay hơn", ông nhận định.
Một năm kìm kẹp đã làm tổn hại đến niềm tin của các doanh nghiệp. Giờ là lúc giới chức Trung Quốc cần nhẹ tay hơn
Ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng tại Macquarie Group
Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Nhiều nhà kinh tế dự báo mức tăng trưởng khoảng 7,8%.
Nhưng năm 2022 là một câu chuyện khác. Nhiều ngân hàng lớn đã hạ dự báo tăng trưởng xuống khoảng 4,9-5,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1990.
"Kế hoạch trấn áp và ngăn chặn tình trạng độc quyền của chính quyền Trung Quốc chỉ có thể được thực hiện khi kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng điều này không còn nữa. Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đã nhanh chóng cạn kiệt nhiệt lượng", ông Craig Singleton tại hãng tư vấn Foundation for Defense of Democracies nhận định.
Chiến dịch trấn áp các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc bắt đầu sau bài phát biểu gây tranh cãi của tỷ phú Jack Ma - nhà sáng lập của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba.
Trong một sự kiện hồi tháng 10, ông Ma thẳng thừng chỉ trích hệ thống tài chính của đất nước. Chỉ vài ngày sau đó, Bắc Kinh yêu cầu Ant Group - tập đoàn công nghệ tài chính của ông - hoãn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Alibaba, Tencent và các tập đoàn khác cũng bị phạt hoặc điều tra về hành vi phản cạnh tranh. Didi - gã khổng lồ gọi xe của Trung Quốc - gặp rắc rối lớn với cơ quan quản lý chỉ vài ngày sau khi IPO thành công trên sàn New York hồi tháng 7 và thu về 4,4 tỷ USD.
Hồi đầu tháng 12, Didi cho biết đang chuẩn bị hủy niêm yết tại các sàn giao dịch Mỹ và bắt đầu bán cổ phiếu ở Hong Kong. Trước đó, cơ quan giám sát công nghệ của Trung Quốc yêu cầu Didi hủy niêm yết trên Sàn giao dịch New York (Mỹ).
Bảo vệ thị trường việc làm
Đối với chính quyền Trung Quốc, việc trấn chỉnh các doanh nghiệp tư nhân nhằm giải quyết những lo ngại về quyền của người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu, vay nợ quá mức và bất bình đẳng kinh tế.
Nhưng giờ, khi nền kinh tế lung lay, Bắc Kinh buộc phải thay đổi lập trường. Trong một cuộc họp gần đây, các lãnh đạo Trung Quốc đã ca ngợi vai trò quan trọng của khu vực tư nhân đối với nền kinh tế.
Theo chuyên gia Hu tại Macquarie, điều đó cho thấy Bắc Kinh sẽ không còn kiểm soát gắt gao như trước.
Trong các mục tiêu của Bắc Kinh, việc giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp được đánh giá là quan trọng nhất. Khi bị chính quyền Trung Quốc giáng đòn, những công ty giáo dục của nước này đã sa thải hàng nghìn nhân viên.
Các công ty công nghệ Trung Quốc cũng có kế hoạch cắt giảm nhân sự vì cuộc trấn áp đối với hoạt động kinh doanh.
Tỷ lệ thất nghiệp thực tế của Trung Quốc có thể tồi tệ hơn dữ liệu chính thức. Ảnh: Reuters. |
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản cũng gây ảnh hưởng nặng nề cho thị trường việc làm Trung Quốc. Những nhà phát triển nợ nần phải cắt giảm việc làm để duy trì hoạt động.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc vẫn đứng yên trong năm nay, chỉ dao động ở khoảng 4,9-5,5%. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh liên tục kêu gọi cải thiện thị trường việc làm. Điều đó cho thấy con số thực tế có thể không tốt như dữ liệu chính thức.
"Tôi cho rằng việc làm là vấn đề nhạy cảm hơn GDP", ông George Magnus tại Đại học Oxford nhận định.
Dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bẩt động sản đã khiến việc làm sụt giảm. Tuy nhiên, cuộc trấn áp đối với các tập đoàn tư nhân cũng là nguyên nhân lớn. Bởi khu vực tư nhân đóng góp tới 80% việc làm.
CNN nhận định rất khó để cân bằng trong việc kiểm soát các tập đoàn tư nhân và giữ nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cần cân nhắc kỹ trong những năm tới.