Theo TechRadar, đây được xem là đối thủ của GPS (Hệ thống Định vị Toàn cầu) do Mỹ thiết kế và sử dụng từ thế kỷ trước.
Khi hoàn tất, hệ thống định vị Bắc Đẩu sẽ cải thiện các dịch vụ sử dụng dữ liệu vị trí, giúp quân đội Trung Quốc duy trì mạng lưới liên lạc.
Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc có số vệ tinh nhiều hơn GPS (Mỹ), Galileo (châu Âu) và GLONASS (Nga). Ảnh: Reuters. |
Ý tưởng tạo ra hệ thống Bắc Đẩu đã được Trung Quốc lên kế hoạch từ những năm 1990 nhằm giảm sự phụ thuộc vào GPS của Mỹ.
Vệ tinh đầu tiên thuộc hệ thống Bắc Đẩu được Trung Quốc phóng vào năm 2000, chỉ bao phủ lãnh thổ Trung Quốc. Khi điện thoại được sử dụng phổ biến, Trung Quốc lên kế hoạch gia nhập dự án điều hướng vệ tinh Galileo của Liên minh châu Âu vào năm 2003 nhưng đã rút lui để tập trung cho Bắc Đẩu.
Năm 2012, thế hệ vệ tinh Bắc Đẩu thứ 2 được phóng lên quỹ đạo, bao phủ lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương. Thế hệ vệ tinh thứ 3 bao phủ toàn cầu được phóng vào năm 2015, là vệ tinh thứ 17 trong hệ thống định vị Bắc Đẩu.
Vào cuối tháng này, vệ tinh thứ 35, vệ tinh cuối cùng giúp hoàn thiện hệ thống sẽ được phóng lên quỹ đạo (chưa rõ ngày cụ thể).
Việc phóng vệ tinh thứ 35 sẽ giúp Trung Quốc củng cố vị thế số một về số vệ tinh định vị so với GPS của Mỹ (hiện có 31 vệ tinh trên quỹ đạo), Galileo của châu Âu (22 vệ tinh) hay GLONASS của Nga (24 vệ tinh). Chi phí đầu tư cho hệ thống được cho là khoảng 10 tỷ USD.
Hệ thống định vị Bắc Đẩu có khả năng xác định vị trí của thiết bị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với sai số 10 cm, thấp hơn nhiều so với 30 cm của GPS.
2 vệ tinh thuộc hệ thống định vị Bắc Đẩu được phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương. Ảnh: Reuters. |
Dự án Bắc Đẩu được thiết kế giúp bảo vệ mạng lưới liên lạc của Trung Quốc, đặc biệt trong hệ thống quân đội, cải thiện khả năng nhắm chính xác mục tiêu. Nó cũng tăng cường khả năng bảo mật trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang căng thẳng, cho thấy Trung Quốc đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực mà Mỹ đang thống trị.
Andrew Dempster, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Vũ trụ Australia cho rằng việc gia nhập muộn có thể giúp Bắc Đẩu nắm lợi thế từ việc học hỏi kinh nghiệm của GPS, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong những năm gần đây. Theo Dempster, những lợi thế của Bắc Đẩu nằm ở băng thông cao, độ chính xác và mặt phẳng quỹ đạo phóng ít, giúp bảo trì vệ tinh dễ dàng hơn.
Theo truyền thông Trung Quốc, các dịch vụ sử dụng hệ thống Bắc Đẩu đã được cung cấp tại hơn 120 quốc gia tính đến thời điểm này. Thái Lan và Pakistan là 2 quốc gia nước ngoài đầu tiên ký kết sử dụng hệ thống từ năm 2013.
Đến năm 2019, hơn 70% smartphone hoạt động tại Trung Quốc đã sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu.