Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc ráo riết 'săn' người Vũ Hán

Chính quyền các địa phương tìm kiếm và giám sát người đến từ Vũ Hán để tránh rủi ro để lọt bệnh nhân. Thông tin của họ còn bị phát tán lên mạng kèm theo những thông điệp kỳ thị.

Meron Mei, sinh viên năm hai tại Đại học Vũ Hán, kỳ nghỉ Tết vừa qua trở về quê tại huyện Hy Thủy, thuộc thành phố Hoàng Cương. Nhà anh cách Vũ Hán, tâm điểm của đợt bùng phát dịch viêm phổi do chủng virus corona mới, gần 2 giờ đi xe. Được vài hôm thì anh bắt đầu ho.

Mei đến bệnh viện huyện để kiểm tra sức khỏe. Các bác sĩ kết luận anh chỉ mắc phải cảm cúm thông thường chứ không phải chủng virus corona mới và được phép về nhà.

Dan vung dich bi truy tim khap TQ anh 1

Nhân viên y tế tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, kiểm tra thân nhiệt định kỳ cho một người trở về từ Vũ Hán. Ảnh: AP.

"Tôi như đang ngồi tù"

Gần một tuần sau, 5 cán bộ địa phương bất ngờ đến nhà Mei. Họ mặc trang phục bảo hộ, đeo mặt nạ và thiết bị đo thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe Mei một lần nữa. Kể từ đó, Mei trong tình trạng bị giám sát thường trực. Chính quyền địa phương cho người dán lên cửa nhà Mei băng rôn cảnh báo màu đỏ với dòng chữ: "Đừng đến gần. Người bệnh nghi viêm phổi".

Mỗi ngày, các bác sĩ trùm kín người trong trang phục bảo hộ sẽ đến thăm và kiểm tra thân nhiệt của Mei ít nhất 3 lần. Chính quyền địa phương thường xuyên gọi điện cho anh để giám sát "bệnh tình", mặc dù các kết quả xét nghiệm trước đó cho thấy Mei âm tính với virus coronona. Họ soát cả điện thoại cá nhân của Mei. Camera bị vô hiệu hóa còn hình ảnh bị xóa sạch.

"Tôi như đang ngồi tù. Tôi rất tức giận và cảm thấy kiệt quệ cả sức lực lẫn tinh thần", anh chia sẻ với AP.

Trong nỗ lực khống chế dịch corona, bùng phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch cách ly với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Có 17 thành phố tại tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa với tổng dân số lên gần 56 triệu người.

Cùng với chính sách cô lập vùng dịch của chính quyền trung ương, giới chức nhiều địa phương còn tiến hành truy tìm tung tích và giám sát những ai từng có thời gian lưu lại Vũ Hán. Một số cộng đồng còn tự treo thưởng cho những ai trình báo người đến từ Vũ Hán, gõ cửa từng nhà tìm "dân vùng dịch" và thẩm vấn người lạ đến làng. Một số khu vực ngoại ô Bắc Kinh còn tự làm rào chắn, yêu cầu người ngoài hoặc người làng đi xa về phải khai báo liệu có đến vùng dịch thời gian qua, theo AFP.

"Thậm chí nếu họ sống ở đây, họ cũng không được trở về. Những người đến từ Hồ Bắc sẽ mang theo bệnh truyền nhiễm. Nếu bạn đến từ Hồ Bắc, bạn phải khai báo với ủy ban địa phương", bảo vệ một khu dân cư ở Bắc Kinh cho biết.

Dan vung dich bi truy tim khap TQ anh 2

Một trung tâm cách ly dã chiến dành cho người nghi nhiễm virus corona tại Phụ Dương, tỉnh An Huy. Ảnh: AP.

Rò rỉ danh sách và chỉ điểm

Liên tiếp nhiều vụ rò rỉ thông tin cá nhân của "dân vùng dịch" trên mạng xã hội Trung Quốc thời gian qua với mức độ chưa từng thấy. Tại nhiều địa phương, người dân truyền tay nhau các danh sách với thông tin nhạy cảm của hàng trăm người từng đến Vũ Hán. Danh sách tiết lộ cả địa chỉ nhà, số điện thoại, chứng minh thư, ngày tháng năm sinh và công ăn việc làm.

Một danh sách do AP thu thập từ nhân chứng ở Thượng Hải chứa thông tin của 174 người sống cùng một quận. Danh sách gồm cả người nước ngoài, dân gốc Thượng Hải và người ngoại tỉnh. Số chứng minh thư được cung cấp trong danh sách đều chính xác.

"Thông tin nội bộ! Chính xác và đáng tin cậy! Các bằng hữu hãy chú ý, những người trong danh sách đều từng đến Vũ Hán và họ không được nhập viện nên đang cách ly tại nhà. Bà con dù có gì xảy ra cũng đừng rời khỏi nhà", một tài khoản mạng xã hội chia sẻ danh sách cho biết.

Một người phụ nữ họ Na, làm trong ngành giáo dục tại Vũ Hán, phát hiện mình có tên trong một danh sách tương tự khi trở về quê nhà tại Nội Mông. Cô lo ngại việc rò rỉ những thông tin này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình sau này.

Không giống như trường hợp của Mei ở Quý Châu, Na không bị cách ly tại gia nhưng thường xuyên nhận các cuộc gọi từ cảnh sát, cán bộ và nhân viên trung tâm phòng ngừa dịch bệnh địa phương. Nhiều cuộc gọi lặp đi lặp lại những câu hỏi giống nhau, cho thấy thông tin dường như không được chia sẻ đầy đủ giữa các cơ quan chức năng.

Người dùng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc đã bày tỏ bức xúc trước tình trạng thông tin cá nhân bị phát tán vô tội vạ. Thôi Bảo Thu, phó chủ tịch mảng trí tuệ nhân tạo của hãng công nghệ Xiaomi, cũng chỉ trích tình trạng rò rỉ thông tin đang khiến tâm lý kỳ thị người đến từ Vũ Hán gia tăng.

"Người bệnh không phải là tội phạm. Chỉ một nhóm nhỏ những người làm việc trong chính quyền tiếp cận được loại dữ liệu này. Họ cần siết chặt kiểm soát hơn nữa", ông cho biết.

Dan vung dich bi truy tim khap TQ anh 3

Cán bộ một địa phương tại Bắc Kinh lập chốt yêu cầu người vào khu vực phải khai báo rõ từng đến Hồ Bắc hay không. Ảnh: AP.

Mạnh tay giám sát người từ vùng dịch

Tình trạng tự phát truy tìm, ngăn cấm đi lại và kỳ thị đối với người từ vùng dịch lại càng được khuếch đại sau các tuyên bố tăng cường giám sát từ giới lãnh đạo Trung Quốc thời gian qua. Kết luận cuộc họp Bộ Chính trị ngày 25/1 nhấn mạnh vào công tác "giám sát, kiểm tra và cảnh báo" để "ngăn chặn và kiểm soát" dịch bệnh hiệu quả.

Một ngày sau, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Lý Bân tiếp tục nhấn mạnh các địa phương cần quản lý hiệu quả người đến từ Vũ Hán. Bà liệt kê nguyên tắc ứng phó bao gồm truy tìm, lập danh sách, quản lý cộng đồng, kiểm tra tại nhà, di chuyển người nghi nhiễm và tích cực điều trị những ai gặp vấn đề sức khỏe.

Trước yêu cầu giám sát toàn diện "không có điểm mù" của Ủy ban Y tế Quốc gia, nhiều địa phương khắp Trung Quốc hành động rất quyết liệt với những trường hợp người lạ, người đi xa về hoặc người đến từ Vũ Hán. Họ bị cách ly và "không được phép ra khỏi nhà", theo mô tả của một cán bộ quản lý chung cư với hơn 2.400 hộ gia đình tại Bắc Kinh.

"Chính sách của chúng tôi là thông tin từ gốc lên ngọn. Chúng tôi muốn mỗi người dân là một nguồn thông tin. Nếu họ không tin tưởng hàng xóm của mình, cứ gọi báo cho cơ quan quản lý địa phương", người này cho biết.

Nhiều quan chức và chuyên gia Trung Quốc ủng hộ những biện pháp cứng rắn để khống chế dịch. Mã Hiểu Vĩ, giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia, nhấn mạnh dịch bệnh đang lan nhanh, thách thức hệ thống kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh trước nay của Trung Quốc, "vì vậy chính phủ cần thích ứng với tình hình, dùng những biện pháp nhanh hơn và chi phí thấp hơn".

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng việc bài xích người đến từ Vũ Hán và Hồ Bắc chỉ đào sâu thêm định kiến trong xã hội. Lucy Huang, một nhà làm phim tài liệu ở Bắc Kinh, cảm thấy dư luận đang xem "kẻ thù" là người đến từ vùng dịch chứ không phải chủng virus nguy hiểm.

"Cách chúng ta nhìn nhận Vũ Hán cũng chính là cách thế giới sẽ nhìn về Trung Quốc", một người dùng Weibo cảnh báo.

Tổng giám đốc WHO trấn an mọi người khi ho ở cuộc họp về virus corona Sự việc vào ngày 3/2 tại cuộc họp của WHO về virus corona. Khi đang phát biểu thì người đứng đầu WHO bất ngờ ho, sau đó ông trấn an mọi người rằng đó không phải là do virus corona.

Dân TQ dùng ứng dụng theo dõi virus corona để tránh vùng dịch

Công dân Trung Quốc đang sử dụng các chương trình lập bản đồ và máy theo dõi du lịch để tránh các khu vực bị nhiễm virus corona và tránh nguy hiểm tiềm tàng.

‘Bảo trọng, nhưng đừng quay về’, Bắc Kinh nói với cư dân đã tới Hồ Bắc

“Bạn và gia đình có khỏe không? Chúng tôi đang lo lắng về bạn” là tin nhắn mà những người từ Bắc Kinh tới thăm Vũ Hán nhận được.

Người Việt ở Vũ Hán muốn về nước, nhưng sợ bị kỳ thị 'từ vùng dịch'

Giữa lúc nhiều nước sơ tán công dân khỏi Vũ Hán, một số lưu học sinh Việt ở đây cho biết cũng muốn được đưa về nước, trong khi số khác nói đó là những cân nhắc khó khăn.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm