Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc: Ảnh: Wikipedia |
Theo Tân Hoa xã, Hội nghị Trung ương 5 diễn ra tại khách sạn Jingxi ở phía tây thủ đô Bắc Kinh từ ngày 26 đến 29/10. Tại đây, các đại biểu Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ xem xét lần cuối những đề xuất cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 13. Bản dự thảo kế hoạch cuối cùng sẽ được trình Quốc hội Trung Quốc để phê chuẩn tại kỳ họp tháng 3/2016.
Hội nghị khai mạc một tuần sau khi chính phủ nước này thông báo mức tăng trưởng quý III chỉ đạt 6,9%, thấp nhất kể từ năm 2009. Trong mùa hè vừa qua, thị trường chứng khoán toàn cầu liên tục chao đảo do những thông tin xấu về nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều chỉ số kinh tế như xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, tiêu thụ điện…. đều giảm sút.
GDP 6,5% hay 7%?
Cuối tuần trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất lần thứ 6 trong chưa đầy một năm và giảm dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng, một động thái kích thích tăng trưởng. Phát biểu tại Trường Trung ương Đảng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tỏ ý rằng GDP Trung Quốc không cần phải đạt mức 7% như kế hoạch ban đầu.
Điều đó cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, giới chuyên gia quốc tế đều tập trung sự chú ý vào mục tiêu tăng trưởng sẽ được đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 này. Phần lớn các nhà kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ đặt chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020.
Báo Straits Times dẫn lời tiến sĩ Wang Xiaolu, phó giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Trung Quốc, khẳng định hạ mục tiêu tăng trưởng là tất yếu do nền kinh tế Trung Quốc đang lao đao.
“Tăng trưởng thấp hơn là một thực tế. Cải cách là vấn đề quan trọng hơn”, ông Wang nhấn mạnh. Trong thời gian qua, giới chuyên gia kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh cải cách cơ cấu nền kinh tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng và đảm bảo sự bền vững.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Trung Quốc sẽ chỉ đạt 6,3% trong năm 2016. Còn hãng Capital Economics bi quan hơn khi cho rằng tăng trưởng Trung Quốc trong 5 năm tới chỉ khoảng 5,5%. Nhưng vẫn có khả năng Hội nghị Trung ương 5 vẫn sẽ quyết định mục tiêu 7% bởi phát triển kinh tế đóng vai trò rất quan trọng đối với uy tín Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước đây, đảng Cộng sản Trung Quốc từng cam kết tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế và thu nhập cá nhân vào năm 2021. Điều đó đòi hỏi mức tăng trưởng ít nhất 7%. Reuters cũng dẫn một số nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ đòi hỏi mức 7%.
Dù thế nào thì chắc chắn chính phủ Trung Quốc vẫn sẽ phải chịu áp lực thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng. Giới quan sát dự báo nhiều khả năng ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 12/2015 và đầu năm 2016.
Nhiệm vụ cải cách
Theo Channel News Asia, ngoài vấn đề tăng trưởng, các chuyên gia Trung Quốc và quốc tế dự báo tại Hội nghị Trung ương 5, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục cam kết cải cách doanh nghiệp nhà nước để mở thêm cơ hội cho khối tư nhân. Có thể các doanh nghiệp tư nhân sẽ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường các ngành dịch vụ như y tế, tài chính, giáo dục…
Nhiều khả năng Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 sẽ bao gồm các cam kết giảm khí thải nhà kính và các quy định chống ô nhiễm. Hôm nay, Trung Quốc nhật báo đăng bài xã luận chỉ trích chính sách phát triển kinh tế quá dựa vào tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là than. Trung Quốc nhật báo kêu gọi chính phủ thực hiện những thay đổi cần thiết để bảo vệ môi trường.
Giới phân tích cho rằng Hội nghị Trung ương 5 cũng sẽ xem xét sửa đổi chính sách một con để khắc phục tình trạng dân số đang già đi và lực lượng lao động bị thu hẹp. Năm 2013, chính quyền Trung Quốc nới lỏng chính sách một con, cho phép các cặp vợ chồng có hai con nếu bố hoặc mẹ là con duy nhất. Tuy nhiên ảnh hưởng của sự thay đổi này là không lớn lắm.
Một cải cách xã hội khác có thể được đưa ra là sự thay đổi về hệ thống hộ khẩu. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc cần nhanh chóng nới lỏng các quy định về hộ khẩu để tăng tốc đô thị hóa và cải thiện thu nhập cũng như tiêu dùng của người dân.
Cuối cùng, Hội nghị Trung ương 5 có thể thảo luận thay đổi nhân sự cấp cao. Trước hội nghị hồi năm 2010, ông Tập Cận Bình được đưa lên làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Báo chí Trung Quốc và quốc tế dự báo ít nhất ba quan chức sẽ được đưa vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, trong khi các gương mặt mới đảm nhận chức Bí thư Thiên Tân và Chủ tịch Phúc Kiến sẽ được công bố.