Ảnh vệ tinh cho thấy quá trình cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc diễn ra tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP |
Đầu tháng 9, ông Antonio Carpio, thẩm phán cấp cao của Tòa án Tối cao Philippines tới Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học British Columbia (UBC) ở Vancouver, Canada để nêu rõ hơn vấn đề tranh chấp trên Biển Đông trước các học giả.
Trong cuộc gặp, ông Carpio nêu một số tuyên bố chủ quyền của Philippines tại một trong những vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới, đồng thời chỉ ra các mặt kỹ thuật trong tuyên bố của Manila.
Theo ông Carpio, hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là lý do chính khiến Manila cố gắng tuân theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS). “Nếu không có UNCLOS, chúng ta sẽ không có quy tắc luật pháp nào ở Biển Đông. Nếu không có công ước này, tranh chấp sẽ biến thành cuộc chạy đua vũ trang”, ông nói.
Những cải tạo trái phép gần đây của Trung Quốc trên các đảo đá ở Biển Đông đã khiến các nước trong khu vực phản đối. Theo AFP, Philippines là một trong những quốc gia phản đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất liên quan đến tới các tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh cùng hoạt động bồi lấp, cải tạo trái phép các đảo trên Biển Đông.
Nước này đã nộp đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế ở The Hague, Hà Lan từ tháng 1/2013. Manila cũng chính thức đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật Biển (ITLOS) ngày 30/3/2014 để phản đối tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn khăng khăng rằng vấn đề chỉ được giải quyết song phương.