Theo Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc, tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc nước này bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 3.000 ca nhiễm mới được báo cáo vào ngày 15/3. Cư dân của một số thành phố ở đó, bao gồm thủ phủ Trường Xuân - nơi có 9 triệu người - đang phải tuân thủ lệnh phong tỏa, theo AFP.
Trong cuộc họp khẩn cấp vào tối 14/3, người đứng đầu tỉnh Cát Lâm cam kết sẽ dốc sức để tách toàn bộ các trường hợp mắc Covid-19 ra khỏi cộng đồng “trong một tuần”.
Thâm Quyến - trung tâm công nghệ phía nam với 17,5 triệu dân - đã ngừng hoạt động được 3 ngày, với nhiều nhà máy đóng cửa và các kệ hàng siêu thị trống rỗng.
Trong khi đó, thành phố lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải đang chịu một loạt hạn chế.
Một khu phố ở Thượng Hải, Trung Quốc bị phong tỏa sau khi phát hiện các trường hợp Covid-19 mới, ngày 14/3. Ảnh: AFP. |
Hôm 15/3 là ngày thứ 6 liên tiếp Trung Quốc ghi nhận trên 1.000 trường hợp mắc mới.
Số ca nhiễm tăng cao kéo theo phong tỏa cũng đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng đột biến trong những tháng đầu năm.
Tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố đã tăng lên 5,5% vào cuối tháng 2, so với 5,1% trong tháng 12/2021, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết ngày 15/3.
Đáng chú ý, người trong độ tuổi 16-24 đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp tăng 15,3%.
“Sự bùng phát Covid-19 gần đây và các hạn chế mới, đặc biệt là việc phong tỏa ở Thâm Quyến, sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng và gây gián đoạn nguồn cung trong thời gian tới”, ông Tommy Wu, thuộc Oxford Economics cho biết trong một báo cáo vắn tắt.
Ông nói thêm sẽ là "thách thức" đối với Trung Quốc để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm là khoảng 5,5%.