Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), viện nghiên cứu lớn nhất nước này, cho biết đã phát triển thành công thiết bị phát hiện biến dị từ trường mạnh nhất thế giới. Thiết bị này được phát triển tại Thượng Hải và đã trải qua thử nghiệm, SCMP cho biết.
Các chuyên gia Trung Quốc nói rằng thiết bị này hoạt động trên không và có thể xác định vị trí khoáng chất được chôn sâu dưới lòng đất ở Mông Cổ với độ chính xác cao chưa từng có trên thế giới. Thiết bị này có thể lắp trên máy bay dân dụng hoặc quân sự như là một giải pháp kỹ thuật hiệu năng cao trong việc lập bản đồ tài nguyên, kỹ thuật dân dụng, khảo cổ học và quốc phòng.
Giáo sư Zhang Zhi, chuyên gia về viễn thám thuộc Viện Địa Vật lý và Khảo sát, Đại học Địa chất Trung Quốc ở tỉnh Vũ Hán cho rằng quân đôi có thể sớm ứng dụng công nghệ này trong các hoạt động quân sự.
“Công nghệ này phát hiện được khoáng chất trên đất liền thì có thể ứng dụng để dò tìm tàu ngầm ẩn trong lòng đại dương”, ông Zhang nói. Máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm thường được lắp thiết bị dò tìm biến dị từ trường, còn gọi là MAD ở phần đuôi.
Thiết bị dò biến dị từ trường siêu dẫn mà các nhà khoa học Trung Quốc chế tạo. Ảnh: SCMP. |
Thiết bị này theo dõi và phát hiện những bất thường về từ trường trái đất do tàu ngầm di chuyển dưới nước gây ra. Dữ liệu thu được kết hợp với thuật toán phức tạp để định vị đối tượng. Tuy nhiên, khả năng xác định chính xác vị trí đối tượng rất khó khăn vì nguồn tín hiệu giảm rất nhanh khi khoảng cách tăng lên.
Máy bay buộc phải bay thấp gần mặt biển và tàu ngầm cũng phải hoạt động đủ gần mặt nước để thiết bị MAD có thể nhận ra. Bên cạnh đó, sức mạnh của tín hiệu có thể bị giảm bởi các yếu tố khác nếu tàu ngầm được chế tạo từ vật liệu ít từ tính hơn.
Tiến sĩ Lei Chong, trợ lý nghiên cứu công nghệ MAD, Bộ phận Điện tử Nano, Đại học Giao thông Thượng Hải cho biết, thiết bị mới chế tạo thành công của Trung Quốc khác với các thiết bị trên thế giới theo 2 cách.
Đầu tiên, thiết bị mới của Trung Quốc sử dụng nhiều ăng ten nên có thể thu được nhiều dữ liệu hơn so với máy dò truyền thống chỉ sử dụng một ăng ten. Tiếp đến, MAD mới sử dụng chíp siêu dẫn làm mát bằng ni tơ lỏng, trong môi trường siêu mát này sẽ làm tăng đáng kể độ nhạy của thiết bị đối với các tín hiệu mờ nhạt so với các thiết bị truyền thống.
Thiết bị MAD gắn ở đuôi máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion của Nhật Bản. Ảnh: JMSDF. |
Tuy vậy, ông Lei lại tỏ ra ngạc nhiên khi Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố việc phát triển thành công thiết bị này: “Thông thường loại thông tin nhạy cảm này không được tiết lộ cho công chúng vì giá trị quân sự của nó”, ông Lei nói với SCMP.
Theo báo cáo của CAS, thiết bị MAD siêu dẫn được phát triển trong 4 năm, bởi một nhóm các nhà khoa học do giáo sư Xie Xiaoming dẫn đầu. Nhóm nghiên cứu cũng hoàn thành việc phát triển 8 máy dò từ tính khác, một số rất nhỏ và nhạy để sử dụng trên vệ tinh.
CAS còn tự hào tuyên bố rằng việc phát triển thiết bị MAD siêu dẫn là cực kỳ khó khăn nên trên thế giới hầu như chưa có quốc gia nào phát triển được, ngay cả đối với Mỹ, và chỉ có Đức là ngoại lệ duy nhất.
Tiến sĩ Lei cho rằng còn quá sớm để nói liệu Trung Quốc có dẫn đầu thế giới về công nghệ MAD hay không. Vị tiến sĩ nhận định Mỹ có thể đã phát triển thành công thiết bị MAD siêu dẫn nhưng không công bố. Ngoài ra, ông Lei cũng hoài nghi việc chuyển máy dò tìm khoáng vật thành thiết bị dò tìm tàu ngầm vì khoảng cách công nghệ giữa ứng dụng dân sự và quân sự khá lớn.