"Đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" phi pháp của Trung Quốc. Ảnh: UNCLOS |
Xuyên tạc lịch sử, chức năng và cơ sở pháp lý vô căn cứ của “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường 9 đoạn” phi pháp) là nội dung chủ yếu của cuốn sách mới mà Trung Quốc vừa phát hành. Tác giả của ấn phẩm là các thành viên nghiên cứu hàng hải thuộc Sở nghiên cứu và phát triển biển thuộc Cục hải dương Trung Quốc, trường Luật thuộc Đại học Thanh Hoa và Hiệp hội Luật quốc tế, tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 12/8 đưa tin.
Cuốn sách khẳng định “đường 9 đoạn” là minh chứng lịch sử về chủ quyền biển của Trung Quốc, bao gồm những tuyên bố ngang ngược về chủ quyền trên các đảo thuộc Biển Đông và quyền đánh bắt thủy hải sản và thăm dò tài nguyên khoáng sản bên trong “đường lưỡi bò”.
Cao Chi Quốc, một trong số những tác giả tham gia viết sách, ngỗ ngược biện hộ rằng, cuốn sách mới đã “cung cấp một cơ sở pháp lý quan trọng để Trung Quốc bảo vệ quyền hàng hải”. Ông ta còn trơ trẽn nhấn mạnh rằng cuốn sách ra đời trong bối cảnh 2014 là năm đánh dấu 100 năm Trung Quốc công bố sự ra đời về “đường 9 đoạn”.
Ngày 23/6, nhà xuất bản Bản đồ ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đã chính thức công bố và lưu hành bản đồ địa hình và bản đồ hành chính “Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” khổ dọc.
Theo tấm bản đồ mới, khu vực đường 10 đoạn đã bao phủ hơn 130 đảo lớn nhỏ, chiếm tới 90% diện tích của Biển Đông, thay vì hơn 80% với đường 9 đoạn. Tỷ lệ vùng biển và các đảo trên Biển Đông tương đương với phần đất liền.
Cộng đồng quốc tế và dư luận Trung Quốc phê phán việc Trung Quốc phát hành bản đồ dọc. Bản đồ dọc mà Trung Quốc mới phát hành giống tấm bản đồ Đông Nam Á, chứ không giống bản đồ Trung Quốc", International Business Times bình luận với giọng điệu mỉa mai.