Ngày 5/8, Bộ Tài chính Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách "các quốc gia thao túng tiền tệ" sau khi Bắc Kinh dìm giá đồng NDT xuống 7 NDT đổi được 1 USD, mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua và là "lằn ranh đỏ" đối với Washington.
"Đây là tín hiệu rõ ràng nhất của Trung Quốc. Họ muốn nói rằng đã xác định không thể đạt thỏa thuận với Tổng thống Trump và giờ sẵn sàng chơi tất tay", Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Marc Chandler của Bannockburn Global Forex nhận định.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bác bỏ cáo buộc "thao túng tiền tệ", tuy nhiên theo CNBC, một số quan chức giấu tên ở Bắc Kinh xác nhận đó là cú phản đòn sau khi ông Trump tuyên bố đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
"Trung Quốc cho Mỹ thấy tiền tệ là vũ khí"
"Nếu ông Trump tăng mức thuế trừng phạt từ 10% lên 25% như đe dọa trước đó, Trung Quốc sẽ dìm giá đồng NDT thêm. Một quan chức Trung Quốc đã nói rằng mọi thứ phụ thuộc vào phản ứng của ông Trump", chuyên gia Chandler cho biết.
Trung Quốc đang biến tiền tệ thành vũ khí. Ảnh: Reuters. |
Sau những màn "đọ pháo" giữa Washington và Bắc Kinh, thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Tại Phố Wall, chỉ số Dow Jones Industrial Average bốc hơi hơn 700 điểm, S&P 500 sụt giảm gần 3% và Nasdaq Composite mất 3,5%.
CNBC cho biết trong phiên giao dịch ngày 6/8, các thị trường châu Á đồng loạt sụt giảm theo. Giá cổ phiếu tại Thượng Hải tụt dốc 2,43%, Thâm Quyến mất 2,65%, Hong Kong hơn 2%.
"Trung Quốc muốn cho Mỹ thấy rằng tiền tệ là vũ khí của họ. Đây vẫn chưa phải là một cuộc chiến tranh tiền tệ theo nghĩa đen, nhưng căng thẳng có khả năng leo thang", CNBC dẫn lời nhà kinh tế Bruce Kasman của J.P. Morgan.
Trong ngày 6/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giữ giá đồng NDT ở mức 6,9683 đổi được 1 USD, cao hơn dự đoán của giới quan sát. Ông Kasman nhận định ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh cũng chưa dám dìm giá đồng NDT thêm vì nhiều vấn đề trong nước.
"Bắc Kinh ôm một khối nợ lớn tính bằng đồng USD. Và vốn sẽ chảy khỏi Trung Quốc nếu họ tiếp tục sử dụng tiền tệ làm vũ khí", ông Kasman nhấn mạnh.
"Ông Trump sống chết với thuế"
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump còn những quân bài khác ngoài chiêu tăng thuế. Một nguồn tin của CNBC cho biết Nhà Trắng đã thảo luận biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ để hạ giá đồng USD. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng khả năng này khó xảy ra do tỷ lệ thành công không cao.
Ngoài ra, tổng thống Mỹ rất nhạy cảm với biến động trên thị trường chứng khoán. Đó có thể là cơ sở để ông Trump thay đổi chiến thuật. Trong hơn một tuần qua, thị trường chứng khoán toàn cầu dã chứng kiến hơn 1.400 tỷ USD bốc hơi vì chiến tranh thương mại.
Diễn biến chiến tranh thương mại những ngày tới sẽ phụ thuộc vào quyết định của ông Trump. Ảnh: Reuters. |
"Ông Trump sống chết với thị trường và thuế. Ngoài cố vấn Peter Navarro, không ai trong đội ngũ của ông ấy ủng hộ tăng thuế. Nếu ông Trump nghe lời Navarro, chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều biến động", nhà phân tích Peter Boockvar thuộc Bleakley Global Advisors nhận định.
Các nhà kinh tế cảnh báo các cú đòn qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. "Có thể nền kinh tế toàn cầu sẽ không suy thoái, nhưng sẽ rơi vào giai đoạn tăng trưởng yếu nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu", chuyên gia William Jackson của Capital Economics dự báo.
Bắc Kinh còn trong tay một số phương án trả đũa Washington, bao gồm bán trái phiếu chính phủ Mỹ, cản trở hoạt động của các công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc.
Nhà phân tích Greg Peters của PGIM Fixed Income nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận "đầu hàng" trước sức ép của Mỹ, do đó sẽ còn sử dụng nhiều công cụ khác để đáp trả Mỹ. Và cuộc chiến Mỹ - Trung leo thang đến đâu, kéo dài tới bao giờ, sẽ phụ thuộc vào những quyết định của ông Trump trong vài ngày tới.