Ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9. Như vậy, toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ chịu mức thuế trừng phạt từ 10% - 25%.
Phản ứng lại, chính quyền Trung Quốc dìm giá đồng NDT xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua, đồng thời ra lệnh ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ.
Trên Market Watch, giáo sư Charles Hankla thuộc Đại học Georgia State nhận định chiến tranh thương mại đang leo thang dữ dội sẽ làm cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc tổn thương trầm trọng. Sẽ không có chuyện một bên chiến thắng vẻ vang, bên còn lại thảm bại nhục nhã.
Trung Quốc dìm giá đồng NDT để trả đũa Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: WSJ. |
Đôi bên đều tổn thương
Tuy nhiên, những diễn biến trong suốt 18 tháng qua chưa cho thấy Mỹ hay Trung Quốc sẽ chiến thắng. Chiến thắng ở đây có nghĩa là thiệt hại ít hơn.
Trước chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức kinh tế, bao gồm việc chuyển đổi như thế nào từ một nền kinh tế sản xuất dựa vào nguồn lao động giá rẻ sang nền kinh tế sản xuất hàng chất lượng cao.
GDP Trung Quốc trong quý II/2019 hạ nhiệt xuống 6,2%, thấp nhất trong 27 năm qua dù chưa đến mức bị coi là "khủng hoảng". Hàng loạt các công ty nước ngoài đang tìm cách “chạy trốn” khỏi Trung Quốc, một phần do chiến tranh thương mại, một phần vì giá lao động tại Trung Quốc tăng và nạn ăn cắp bản quyền trí tuệ vẫn trầm trọng.
Về phía Mỹ, nông dân quốc gia này cũng đã cảm nhận rõ sức ép của cuộc chiến thương mại. Từng có thời điểm 60% nông sản xuất khẩu Mỹ đi tới thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh ngừng nhập hàng nông sản Mỹ.
Thị trường chứng khoán Mỹ lao đao sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Năm 2018, Tổng thống Trump tung gói hỗ trợ nông dân trị giá 12 tỷ USD. Tháng 7/2019, ông chủ Nhà Trắng cho biết sẽ cung cấp thêm 15 tỷ USD cho nông dân Mỹ. Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa của ông Trump.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế cảnh báo các công ty và người tiêu dùng Mỹ là đối tượng chịu nhiều thiệt hại vì giá cả hàng hóa tăng cao khi chính quyền Tổng thống Trump đánh thuế 10-25% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Sau khi ông Trump tuyên bố đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc, thị trường chứng khoán Mỹ lập tức chao đảo.
Không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm
Theo giáo sư Charles Hankla, Trung Quốc có một lợi thế cụ thể trước Mỹ trong cuộc chiến đang ngày càng tàn khốc. Đó là Bắc Kinh có thể kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi ông Trump rời Nhà Trắng, có thể là ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Nếu chiến lược của ông Trump nhận được sự đồng thuận của cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ, chính quyền Washington có thể tiếp tục gây sức ép lên Bắc Kinh trong một thời gian dài nữa. Giáo sư Charles Hankla cho rằng khi đó, chiến tranh thương mại sẽ diễn biến giống như Chiến tranh lạnh.
Ngược lại, nếu ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 và một chính trị gia Đảng Dân chủ lên nắm quyền, có thể người đó sẽ tiếp tục chính sách thuế của ông Trump, nhưng cũng có thể xóa bỏ các khoản thuế trừng phạt đánh lên hàng hóa Trung Quốc.
Trung Quốc có thể chờ đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 với hi vọng ông Trump sẽ thất bại. Ảnh: EPA. |
Như vậy, giáo sư Charles Hankla cho rằng Trung Quốc đang hứng chịu nhiều thiệt hại kinh tế hơn Mỹ trong những trận đánh đầu tiên của chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, phía Mỹ đang ở vị trí bấp bênh về phương diện chính trị.
"Và chắc chắn chính quyền Trung Quốc sẽ không chấp nhận cái tiếng là đầu hàng trước sức ép của Mỹ", giáo sư Charles Hankla nhấn mạnh. "Các nghiên cứu về chiến tranh thực sự cho thấy những màn đọ pháo sẽ tiếp diễn cho đến khi có những thay đổi lớn ở phía sau chiến tuyến. Chiến tranh thương mại cũng tương tự".
Theo giáo sư Charles Hankla, ở thời điểm này vẫn chưa thể xác định Mỹ hay Trung Quốc ở thế cửa trên hay bên nào sẽ giành chiến thắng. "Như vậy, cuộc chiến này sẽ còn kéo dài, và chúng ta chưa thể thấy ánh sáng ở cuối đường hầm", giáo sư Charles Hankla kết luận.