Một phi cơ do thám P8 Poseidon của Hải quân Mỹ. Ảnh: AFP |
"Tôi nghĩ hình thức tăng cường hoạt động quân sự của Mỹ và thúc đẩy quân sự hóa khu vực không phù hợp với lợi ích dài hạn của các nước trong khu vực. Trung Quốc tin rằng Singapore, giống như nhiều nước trong khu vực, muốn thấy một Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng", Reuters dẫn lời bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo hôm nay.
Trung Quốc bày tỏ quan điểm ngay sau khi Mỹ và Singapore nhất trí về việc Washington sẽ đưa phi cơ do thám P8 Poseidon tới đảo quốc sư tử trong tháng 12. Trong một tuyên bố chung tại Washington hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen của Singapore thông báo P8 Poseidon sẽ tới Singapore từ ngày 7 tới 14/12.
Dù duy trì quan hệ thương mại đáng kể với Trung Quốc, Singapore cũng tích cực xây dựng hợp tác quốc phòng với Mỹ trong thập kỷ qua. Những hành động này bao gồm cho phép Mỹ xây dựng một đơn vị hậu cần và triển khai luân phiên một số tàu chiến, bao gồm tàu chiến duyên hải (LCS) để tuần tra những vùng nước nông.
Máy bay do thám P8 Poseidon của Mỹ đã hoạt động tại Nhật Bản và Philippines. Chúng cũng thực hiện các chuyến bay do thám từ Malaysia, nước láng giềng của Singapore.
"Việc triển khai P8 Poseidon tại Singapore sẽ thúc đẩy mức độ phối hợp lớn hơn giữa quân đội Mỹ với các quân đội trong khu vực thông qua những cuộc tập trận song phương và đa phương, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ kịp thời đối với những hoạt động cứu hộ thiên tai, nhân đạo và nỗ lực duy trì an ninh hàng hải", tuyên bố chung của hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ - Singapore nhấn mạnh.
Quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Singapore khá khăng khít. Việc phi cơ do thám P8 Poseidon hoạt động ở Singapore là một phần của Hiệp định Hợp tác Quốc phòng mà hai nước ký kết. Hợp tác chống khủng bố và hải tặc xuyên quốc gia cũng là nội dung của hiệp định.
Cục diện Biển Đông sẽ không đổi chiều bởi phi cơ tuần thám Mỹ
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường. Ảnh: Hồng Duy |
Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan kiêm Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, nhận định, việc Singapore chấp thuận cho Mỹ sử dụng căn cứ để đưa máy bay tuần thám săn ngầm P-8 Poseidon tuần tra Biển Đông không mang nhiều ý nghĩa.
Nó phản ánh việc Washington muốn tăng cường hiện diện, nhằm đáp lại các động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông, tuyến hằng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Máy bay tuần tra hoạt động từ Singapore giúp Washington tăng cường giám sát trong khu vực. Đây cũng là một phần trong kế hoạch xoay trục sang châu Á của Mỹ, trong đó lấy Biển Đông làm trung tâm.
Tuy nhiên, chắc chắn Trung Quốc không chấp thuận việc này. Việc Bắc Kinh đưa ra lời phản đối là điều giới quan sát có thể dự đoán. Tuy nhiên, hành động của Bắc Kinh không có tác dụng.
Washington và Bắc Kinh nhiều lần phản đối hành động của nhau trong khu vực. Máy bay tuần tra, săn ngầm xuất phát từ Singapore cũng chỉ là một trong hàng loạt động thái nhằm hiện thực hóa bước đi chiến lược của các nước lớn. Tuy nhiên, những nước nhỏ trong khu vực cần phải tự lo cho quyền lợi của họ. Những sự việc tương tự không thể làm đảo lộn tình hình Biển Đông so với hiện nay.