Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước đại diện thanh niên Việt - Trung. Ảnh: Anh Tuấn. |
PGS.TS Vũ Dương Huân phân tích về chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình:
Trung Quốc là một trong các đối tác chủ chốt của Việt Nam. Trong quan hệ với Trung Quốc, chúng ta có cách tiếp cận mạnh dạn hơn. Chúng ta không chỉ nêu với lãnh đạo Trung Quốc những thành tựu, thành công trong quan hệ như trước kia mà chúng ta còn thẳng thắn đề cập cả những trở ngại, vướng mắc để cùng nhau giải quyết. Đó là cách tiếp cận đúng đắn, thực tế.
Nếu xét quan hệ bình thường giữa các quốc gia theo nghĩa quan hệ bình đẳng, không hạn chế quan hệ khác thì quan hệ Việt-Trung thời gian qua thật sự chưa bình thường.
Có thế lấy vài ví dụ để chứng minh. Chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Chúng ta đã nhiều lần công khai tuyên bố chính sách quốc phòng ba không: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; và không dựa vào nước này để chống nước kia. Tuy nhiên, khi Việt Nam đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Mỹ và Mỹ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam… Trung Quốc cũng có thái độ này khác.
Chuyến thăm của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh gần đây quan hệ Việt Nam Trung Quốc bên cạnh những bước phát triển tích cực, đã xảy ra không ít vấn đề phức tạp. Tôi muốn nói đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép tại thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào tháng 5-7/2014, gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận Việt Nam, ảnh hưởng rất xấu đến quan hệ giữa hai nước, làm cho dư luận các nước trong khu vực và trên thế giới lo ngại.
Ngoài ra, từ tháng 4 năm 2014 đến gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh việc cải tạo các bãi san hô, đảo đá ở khu vực Trường Sa, biến các đảo nhân tạo đó thành căn cứ quân sự như đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự quốc tế. Đó là việc làm vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đồng thời tạo nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Chuyến thăm là dịp hai bên trao đổi nhằm cài đặt lại quan hệ và tháo gỡ vướng mắc, làm cho quan hệ hai nước ổn định và tiếp tục phát triển lành mạnh.
Như ông Tập Cận Bình nói tại Hà Nội, “chữ tín là nền tảng của quan hệ”. Đáng tiếc, như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu, lòng tin về quan hệ Việt - Trung trong một bộ phận nhân dân, cán bộ, đảng viên đã bị suy giảm bởi những tranh chấp, bất đồng giữa hai nước.
Thời gian tới, hai bên cần đẩy mạnh đối tác chiến lược về chính trị, ổn định và có biện pháp tăng cường lòng tin nhằm thu hẹp khác biệt và gia tăng nhận thức chung về sự cần thiết phải duy trì một môi trường hòa bình và ổn định chính là mục tiêu cuối cùng mà ngoại giao Việt Nam nhắm tới, thông qua xây dựng "lòng tin chiến lược" chung.
"Lòng tin chiến lược" được hiểu là sự thực tâm và chân thành, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, bình đẳng giữa các thành viên và đối tác không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ” như Thủ tường Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại Đối thoại Shangrila năm 2014. Đây đang là điểm yếu trong quan hệ chính trị Việt - Trung.
Hai nước phải đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại, thì cái tiêu cực là Việt Nam bị nhập siêu quá lớn và tiếp tục tăng (28,8 tỷ USD 2014 và 9 tháng đầu năm 2015 là 24,3 tỷ). Hai nước cần đẩy mạnh thương mại chính ngạch, hạn chế thương mại tiểu ngạch.
Về đầu tư, Trung Quốc là nền kinh tế thứ 2 thế giới, song đầu tư ở Việt Nam chỉ đứng vị trí thứ 9 trong các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 8,5 tỷ USD. Chất lượng đầu tư không cao, nhiều dự án chậm tiến độ.
Về ODA, Trung Quốc chỉ đứng thứ 5, trong các nước viện trợ phát triển cho Việt Nam, chưa tương xứng với quy mô nền kinh tế Trung Quốc. Cam kết viện trợ 1 tỷ nhân dân tệ cho Việt Nam trong 5 năm tới là một khởi động tốt.
Điều đặc biệt quan trọng là vần đề Biển Đông. Trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện hai bên trực tiếp trao đổi đàm phán để cùng tìm ra giải pháp lâu dài cho những vấn đề song phương. Hai bên cùng phối hợp kiểm soát xử lý vụ việc nảy sinh, giải toả căng thẳng, nhằm ngăn ngừa xung đột thông qua một số biện pháp quan trọng như 1) Ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển;2) Mở 3 cơ chế: Đàm phán về khu vực ngoài cửa Vịnh Bác Bộ; Hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm; và Nhóm bàn bạc Hợp tác cùng phát triển; 3) Thiết lập và triển khai 4 cơ chế "đường dây nóng" kiểm soát khủng hoảng giữa ha nước (giữa lãnh đạo cấp cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và cơ quan ngư nghiệp hai nước).
Tuy nhiên, trong vấn đề biển đảo cái phức tạp nhất, khó giải quyết nhất chính là Trung Quốc đòi đường lưỡi bò chiếm tới hơn 80% Biển Đông, đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo gây lo ngại cho các nước trong khu vực và dư luận quốc tế.
Mặt khác, đến nay Trung Quốc vẫn tìm mọi cách trì hoãn xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) như đã thỏa thuận với các nước ASEAN khi ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002. Vấn đề là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng COC. Đây là giải pháp quan trọng hòa bình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Nói cách khác, Trung Quốc phải xóa khoảng cách đang khá lớn giữa tuyên bố hữu nghị và căng thẳng trên thực địa. Hai nước đã xây dựng khuôn khổ quan hệ: i) “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai (1999); ii) 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt; đồng chí tốt, đối tác tốt” (2005); và iii) “Đối tác chiến lược toàn diện” (2008) và nhiều thỏa thuận cấp cao khác. Điều cần lúc này là hai bên đẩy mạnh việc triển khai các thỏa thuận, đưa các thỏa thuận đi vào cuộc sống vì lợi ích của nhân dân hai nước.
"Điểm chính yếu để hai nước cần hướng tới chính là xây dựng quan hệ lòng tin chiến lược (strategic trust). Mặc dù hai nước hiện nay có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng như cùng hệ tư tưởng trong quản lý chính quyền, nhưng đứng trên một khía cạnh nào đó hai nước vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng nhau, cả về phía Việt Nam lẫn Trung Quốc. Tôi nghĩ một cách để hai bên có thể tăng cường lòng tin là cần thiết lập thêm cơ chế tham vấn, tiếp xúc song phương ở nhiều cấp và lãnh vực khác nhau", Nguyễn Trung - Giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Hong Kong Baptist.