Mối đe dọa với thanh long Việt Nam
Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều thanh long Việt Nam nhất, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2013.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội rau quả Việt Nam Vinafruit, trong 11 tháng đầu năm 2013, lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc là 241.000 tấn, với giá trị 131,7 triệu đô la Mỹ, giảm 3% về lượng nhưng tăng 3,5% về giá trị so với năm trước.
Thay vì ồ ạt nhập khẩu thanh long từ Việt Nam, gần đây, Trung Quốc đầu tư ồ ạt để tự trồng giống cây này. |
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Vinafruit, nhận định có nhiều nguyên nhân khiến lượng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc giảm nhẹ trong năm 2013, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay Trung Quốc đã trồng được trái thanh long. Mặc dù nước này vẫn đang là thị trường tiêu thụ chính của trái thanh long Việt Nam nhưng với tốc độ đầu tư trồng thanh long đại trà với quy mô lớn, Trung Quốc đe dọa trở thành nước cạnh tranh về diện tích lẫn sản lượng với thanh long Việt Nam.
Trước đó, TS Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, năm 2012, ngay sau khi trồng thử nghiệm thành công, Trung Quốc đã cho triển khai trồng đại trà với quy mô khoảng 20.000 ha thanh long ở 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, gần bằng với diện tích trồng thanh long hiện nay của Việt Nam. “Mới triển khai mà họ đã trồng như thế, không biết vài năm nữa sẽ còn phát triển bao nhiêu. Sự tự túc về thanh long đối với nước họ sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong khi chúng ta hàng chục năm nay đã quen lệ thuộc vào thị trường này, ngủ quên trong chiến thắng, sự đầu tư mở rộng sang các thị trường khác còn rất ít nên thanh long Việt Nam sẽ thật sự gặp nhiều khó khăn trong vài năm tới” - TS Lập cảnh báo.
Minh chứng rõ ràng, hồi tháng 10/2013, hàng trăm xe tải chở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách tắc ở cửa khẩu Tân Thanh khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu loại trái cây này ở tỉnh Bình Thuận bị thiệt hại nặng nề, số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Lý do phía Trung Quốc không thu mua là giá thanh long xuống quá thấp, nên không thu hàng. Giá thanh long liên tục đi xuống từng ngày, tùy theo sự định đoạt của các thương lái Trung Quốc.
Ông Vũ Vệ Yên, Tổng thư ký Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết: “Đa phần thanh long xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đều được bán qua các đầu nậu, thương lái người Trung Quốc ở các chợ giáp với cửa khẩu Tân Thanh, nên những đối tác này cũng không có tư cách pháp nhân. Vì vậy, họ cũng muốn mua bán với doanh nghiệp trong nước theo kiểu tiền trao cháo múc".
Thanh long Việt Nam dần mất thế độc quyền
Không chỉ Trung Quốc, hiện nhiều nước khác như Thái Lan, Philippines, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đã bắt đầu trồng thanh long khiến thanh long Việt Nam không còn chiếm vị trí độc tôn trên thị trường xuất khẩu thế giới.
Hiện 75% sản lượng thanh long Việt Nam xuất khẩu là tới thị trường Trung Quốc nhưng chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch, các thị trường khác như Hoa Kỳ chỉ chiếm 0,4%, châu Âu 4%, Nhật 0,1%, Thái Lan 0,4%... Mặc dù chỉ chiếm 0,4% lượng xuất khẩu trong 11 tháng năm 2013, song xuất khẩu thanh long sang Thái Lan tăng mạnh, đạt 20.600 tấn với kim ngạch đạt 11,8 triệu đô la Mỹ, tăng 17,7% về lượng và 23,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012.
Số liệu thống kê từ Vinafruit cũng cho thấy, xuất khẩu thanh long sang Hoa Kỳ trong 11 tháng năm 2013 đạt 1.300 tấn với kim ngạch đạt 6,2 triệu đô la Mỹ, giảm 7,4% về lượng nhưng tăng 27,3% về giá trị so với năm 2012.
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam thì Việt Nam còn đang “ru ngủ” mình rằng chất lượng trái thanh long của Việt Nam là ngon ngọt nhất, thanh long các nước không bằng nhưng thực tế chưa có kết quả kiểm định nào chính xác cả. Thanh long Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc cũng có thể trồng đạt chất lượng tốt tương đương. Vì vậy, về lâu dài thương hiệu mới là cái mà các nước hơn thua với nhau.
Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là diện tích trồng thanh long liên tục được mở rộng, sản lượng không ngừng tăng lên do loại quả này mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, trong khi đó hiện một số nước trên thế giới cũng triển khai kế hoạch phát triển loại cây ăn trái này.