Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Al-Jazeera bên lề hội nghị bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – các nước Arab hồi tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh: “Với những gì chúng ta biết về nước Mỹ, họ sẽ tiếp tục là cường quốc số 1 thế giới trong thời gian khá dài. Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc thế giới được dẫn dắt bởi một quốc gia. Điều đó là bất khả thi”.
Thực thể Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: CSIS |
Trong chương trình được phát sóng tối 19/5, ông Vương chỉ trích vai trò của Mỹ ở Biển Đông và đổ lỗi cho Washington là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng ở vùng biển này.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Trung Quốc cũng ngang ngược tuyên bố mỗi quốc gia có quyền tự vệ và những gì Bắc Kinh đang làm trên Biển Đông nhằm đảm bảo cái gọi là "sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc".
Các hành động này khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, trở nên căng thẳng. Washington thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
“Ai đang tham gia vào các cuộc tập trận lớn trong khu vực? Ai đưa các loại vũ khí tiên tiến tới Biển Đông và liên tiếp xây dựng các căn cứ quân sự mới? Câu trả lời quá rõ ràng: Mỹ”, ông Vương cáo buộc.
Trước đó, trong bức thư được đăng tải trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh, Đại sứ Liu Xiao-ming khẳng định vấn đề trên Biển Đông bị người Anh và người Mỹ thổi phồng, Straitstimes đưa tin.
Hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
“Họ khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực nhưng thực tế, thành kiến và sự thiên vị của họ sẽ chỉ làm căng thẳng gia tăng”, ông Liu nhấn mạnh.
Theo nội dung bức thư, Đại sứ Trung Quốc tại Anh trắng trợn khẳng định Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên và quản lý quần đảo Nam Sa, cách Bắc Kinh gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Liu còn ngang ngược tuyên bố 40 thực thể trên quần đảo này đang bị “chiếm đóng bất hợp pháp”.
Trên thực tế, Trung Quốc bị cả thế giới chỉ trích vì bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa các thực thể chiếm đóng bất hợp pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ít nhất 7 đá và rạn san hô đã bị Trung Quốc bồi lấp phi pháp trước khi xây dựng trên đó các cơ sở quân sự. Hoạt động cải tạo, xây dựng và quân sự của Trung Quốc bị vệ tinh chụp lại rõ nét, trong đó rõ ràng nhất là sân bay dài 3 km trên đá Chữ Thập – đủ để máy bay ném bom chiến lược và các chiến đấu cơ khác của Trung Quốc cất và hạ cánh.
Thế nhưng ông Liu vẫn khăng khăng ngoài những gì được cho là “cơ sở quốc phòng tối thiểu”, các công trình phi pháp của Trung Quốc chủ yếu "phục vụ mục đích dân sự". Đại sứ Trung Quốc tại Anh ngụy biện các hoạt động xây dựng của Bắc Kinh hợp pháp vì nó diễn ra “trên các đảo và rạn san hô của Trung Quốc”.
Bất chấp những gì đang diễn ra trên thực địa, ông Liu vẫn xảo biện Trung Quốc không đe dọa đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đại sứ Trung Quốc lấy dẫn chứng là 100.000 chuyến tàu qua lại khu vực này mỗi năm. Liu cũng cho rằng các động thái núp dưới danh nghĩa “tự do hàng hải và hàng không” là “hành động thù địch trắng trợn và nên dừng lại”.
“Các tàu quân sự và máy bay mà họ đưa đến khu vực cũng như những cáo buộc nhằm vào Trung Quốc chỉ khuyến khích một số quốc gia hành xử thiếu thận trọng hơn, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”, Liu ngang ngược tuyên bố.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Đây cũng là vùng biển được kỳ vọng có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt. Các đảo phi pháp mà Trung Quốc dựng lên trên 7 đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền.
Phía Trung Quốc nhiều lần nhắc lại lập trường giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông nhưng trên thực tế Bắc Kinh liên tiếp có những hành động gây hấn, làm căng thẳng tình hình.