Tàu điện ngầm và tàu nối các thành phố đang chạy trở lại. Trung tâm thương mại đang mở lại. Các nhà máy quốc doanh lại sáng đèn, và các nhà máy khác có thể sắp mở theo.
“Tôi ở nhà 70 ngày nay rồi. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi ra ngoài”, một phụ nữ ở trung tâm thương mại nói với đài truyền hình địa phương. “Tôi cảm thấy bị chia cắt khỏi thế giới bên ngoài hàng thập kỷ”.
Người khỏe mạnh đã được ra khỏi tỉnh Hồ Bắc từ ngày 25/3, còn lệnh phong tỏa Vũ Hán được nới lỏng ngày 8/4, sau hai tháng kể từ khi bắt đầu ngày 23/1. Sân bay Vũ Hán cũng mở lại.
Các hàng quán ở Vũ Hán đều bị rào chắn ngăn lại. Ảnh: Reuters. |
“Khả năng xảy ra đợt lây nhiễm mới vẫn khá cao”
Lãnh đạo Trung Quốc nói nước này đa phần đã đánh bại dịch bệnh, và con số ca nhiễm mới mỗi ngày rất ít hoặc không có, cho phép tỉnh Hồ Bắc gỡ bỏ phong tỏa, và tới lượt Vũ Hán - tâm dịch của tỉnh Hồ Bắc cũng chấm dứt lệnh phong tỏa.
Nhưng “đánh bại” được dịch bệnh không chỉ dừng lại ở đó, mà còn là ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai, đồng thời tái khởi động nền kinh tế, theo Washington Post.
“Hai mục tiêu trên rõ ràng mâu thuẫn, vì để chặn virus lây lan trở lại, dù là từ nước ngoài hay từ những ca ủ bệnh, Trung Quốc cần duy trì các biện pháp giãn cách xã hội”, Neil Thomas, nhà nghiên cứu tại viện chính sách Marco Polo chuyên về Trung Quốc ở Chicago, nói với Washington Post.
“Như thế sẽ làm giảm nhu cầu từ người tiêu dùng và giới hạn các hoạt động của nhà máy, ngành dịch vụ hay giao thông”.
Nghiên cứu đã cho thấy có tới 1/3 người nhiễm virus corona không có triệu chứng hoặc có triệu chứng muộn. Ủy ban Y tế Quốc gia cũng thừa nhận: “Khả năng xảy ra đợt lây nhiễm mới vẫn khá cao”.
Giống như Tổng thống Trump đã nóng lòng tuyên bố muốn các doanh nghiệp hoạt động trở lại trước lễ Phục sinh (năm nay rơi vào ngày 12/4), để rồi phải rút lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lo ngại về ảnh hưởng tới kinh tế.
Ông Tập trong chuyến thăm cảng và xí nghiệp ở tỉnh Chiết Giang cuối tuần trước đã hứa chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp “phục hồi sớm nhất có thể”.
Người Vũ Hán đang ăn đồ ăn nhanh McDonald ngày 30/3, trong lúc cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Ảnh: AFP. |
Đa số các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong quý I, thậm chí nền kinh tế sẽ bị thu hẹp lần đầu tiên kể từ 1976. Dù vậy, các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc trong buổi họp Bộ Chính trị ngày 27/3 vẫn giữ chỉ tiêu tăng trưởng 6% cho cả năm, và báo hiệu sẽ hỗ trợ thêm cho nền kinh tế.
Vừa mở cửa lại đã có lệnh đóng
Nhưng các nỗ lực tái khởi động lại kinh tế không hề dễ dàng.
Ở Vũ Hán, người dân chỉ được ra khỏi khu dân cư của mình nếu có giấy phép do cơ quan cấp, đồng thời phải có mã màu xanh lá cây trên ứng dụng y tế của chính phủ để chứng tỏ sức khỏe tốt, an toàn. Nhưng các cư dân nói một số khu dân cư không còn ca nhiễm bỗng nhiên lại bị loại khỏi danh sách an toàn, mà không rõ lý do.
Tại các trung tâm thương mại đã mở lại, người dân phải giữ khoảng cách trên thang cuốn, và quần áo vừa có người thử phải được khử trùng. Lên tàu điện ngầm phải đeo khẩu trang, ngồi cách nhau hai ghế. Bến tàu gần như không có khách.
Một trung tâm thương mại đã mở cửa trở lại nhưng vẫn vắng khách ở Vũ Hán. Ảnh: AFP. |
“Trung Quốc đang muốn khởi động lại kinh tế nhanh nhất có thể... nhưng sẽ thách thức vì 60% kinh tế Trung Quốc là dịch vụ. Và ngay cả khi họ muốn mọi người tới rạp phim và nhà hàng ngay bây giờ, tôi không nghĩ có nhiều nhu cầu”, Ryan Hass, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings, nói với Washington Post.
Trong khi cuộc sống cố gắng trở lại bình thường ở Vũ Hán, chính quyền một số nơi khác vẫn áp đặt lại một số giới hạn khác. Chẳng hạn, một số quán karaoke ở thành phố Thẩm Dương phía bắc hay các quán café Internet ở thành phố Thành Đô phía tây nam đã mở cửa trở lại đầu tháng 3, sau đó lại được lệnh đóng cửa.
Khoảng 600 rạp phim vừa mở cửa trở lại sau hai tháng đã bị yêu cầu đóng cửa. Giới chức Trung Quốc không nêu rõ lý do, nhưng các nhà phân tích như ông Thomas nói điều đó thể hiện nỗi lo về các ca nhiễm mới.
Các thay đổi đột ngột khác cũng được ban hành, bao gồm lệnh cấm người nước ngoài tới Trung Quốc, và giới hạn các chuyến bay về nước đối với người Trung Quốc. Số lượng chuyến bay tới Trung Quốc chỉ bằng 2% mức bình thường.
Hai tháng trước, thật khó có thể tưởng tượng cảnh xe cộ như thế này trên đường phố Vũ Hán, trong tấm ảnh chụp cuối tháng 3. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Dù nhà máy sản xuất trở lại, thế giới chưa chắc mua hàng
“Đó là những toan tính khó khăn: rủi ro y tế cộng đồng so với rủi ro kinh tế”, Ryan Manuel, giám đốc điều hành của Official China, công ty tư vấn về môi trường chính trị ở Trung Quốc, nói với Washington Post.
Nhưng đó là toan tính mà các nước khác như Italy, Tây Ban Nha và Mỹ sau cùng cũng phải quyết định.
“Mọi nước đều sẽ phải tính đến một chiến lược để thoát khỏi tình trạng này”, Alicia Garcia Herrero, kinh tế gia trưởng về châu Á - Thái Bình Dương ở ngân hàng đầu tư Pháp Natixis, nói với Washington Post.
Hiện nay, bà cho rằng Trung Quốc không nên quá nóng vội khởi động lại kinh tế. Nhu cầu trong nước vẫn đang thấp, nhu cầu từ nước ngoài còn thấp hơn, nhất là khi dịch bệnh đang hoành hành ở những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Trong một thế giới mà cầu không còn, nếu vội vàng sản xuất sẽ chỉ tạo ra sản phẩm dư thừa và đẩy giá xuống thấp”, bà Herrero nói. Lãnh đạo Trung Quốc có thể coi dịch bệnh là nguyên nhân kinh tế trì trệ, nhưng thực tế, họ cũng không thể bán sản phẩm cho thế giới lúc này, bà nhận định thêm.