Trung Quốc “nắm lợi thế”
Trong chuyến công du Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn hai nước ký thỏa thuận năng lượng để Tập đoàn quốc doanh Gazprom của Nga cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí tự nhiên trong 30 năm tới. Sau một thập kỷ đàm phán chưa đạt hiệu quả, Trung Quốc dường như là đích ngắm mới của Nga sau khi Liên minh châu Âu (EU) tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Moscow vì sự đối đầu giữa hai bên trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina.
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Vladimir Putin tại thành phố Thượng Hải hôm 20/5. Ảnh: Reuters |
Hiện tại Bắc Kinh muốn sử dụng loại nhiên liệu sạch hơn để thay thế than đá. Giới chuyên gia dự đoán mức tiêu thụ khí tự nhiên của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2014 tới năm 2020. Việc Bắc Kinh hạn chế sử dụng than đá dẫn tới sự thiếu nghiêm trọng khí đốt trong mùa đông năm ngoái.
Tuy nhiên, Gordon Kwan, chuyên gia nghiên cứu dầu khí tại Viện nghiên cứu Nomura, nhận xét: “Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán với Nga. Bắc Kinh thực sự muốn ép giá. Họ đang phát triển các dự án khí đốt ở Tứ Xuyên và nhập khí tự nhiên hóa lỏng của Bắc Mỹ. Tôi nghĩ rằng Nga sẽ phạm sai lầm nếu họ không thể đạt được các thỏa thuận chỉ vì bất đồng giá”.
Thỏa thuận thất bại
Reuters đưa tin các nhà đàm phán của hai quốc gia không thể tìm ra tiếng nói chung về giá khí đốt Nga xuất cho Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến công du Thượng Hải của Putin. Nó cho thấy số lượng hợp đồng Nga và Trung Quốc ký kết trong ngày 20/5 không lớn như các chuyên gia dự đoán.
Nga và Trung Quốc đàm phán về thỏa thuận vận chuyển khí đốt từ vùng Siberia tới Trung Quốc từ một thập kỷ trước. Giới quan sát không thể loại trừ khả năng hai nước sẽ thông qua thỏa thuận trước khi Tổng thống Putin rời Trung Quốc hôm nay hoặc trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế ở St Petersburg, Nga vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin không trắng tay trong chuyến công du Thượng Hải. Dù đôi bên chưa thể thông qua thỏa thuận năng lượng, yếu tố quan trọng đối với lợi ích kinh tế lâu dài của hai nước, nhưng ông chủ Điện Kremlin nhận được sự ủng hộ hiếm hoi của người đồng cấp Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraina, Reuters nhận định.
Tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng ở Ukraina và sử dụng các biện pháp chính trị, hòa bình để giải quyết các vấn đề đang tồn tại. Trong lúc quan sát cuộc tập trận chung ngoài khơi Thượng Hải, hai ông khẳng định hợp tác giữa hai nước là yếu tố quan trọng để duy trì sự ổn định trong khu vực.