Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Putin muốn gì trong chuyến thăm Trung Quốc?

Thời báo New York nhận định lợi ích kinh tế và chính trị là động lực đưa ông chủ Điện Kremlin đến Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina tác động tiêu cực đến kinh tế Nga.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đón Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Chinadaily

Theo Thời báo New York, khủng hoảng trong mối quan hệ với phương Tây xung quanh vấn đề Ukraina tiếp tục đẩy Nga lại gần hơn với châu Á, biến khu vực này trở thành ưu tiên chiến lược của Nga, đặc biệt là mối quan hệ với Trung Quốc.

Nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa với 67% giá trị xuất siêu thu về từ dầu và khí đốt. Tuy nhiên, châu Âu  - đối tác nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga - lại đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Moscow. Thậm chí Mỹ và các đồng minh châu Âu liên tục đe dọa gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào tình hình chính trị rối ren ở Ukraina. Trước những diễn biến bất lợi này, Nga cần tìm một thị trường thay thế.

Trong khi đó, đất nước đông dân nhất thế giới đang khát năng lượng cho nền công nghiệp phát triển bùng nổ. Năm ngoái, tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc đã chiếm 1/4 tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu và theo dự đoán của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới trong năm nay.

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Putin cũng nhiều lần nhấn mạnh Nga nhận thấy rõ tương lai hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Ông chủ Điện Kremlin khẳng định Bắc Kinh đang trên đà vượt Washington để trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới.

“Hôm nay, Nga sẽ coi Trung Quốc là đối tác thương mại số 1. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đầy biến động, tăng cường hợp tác thương mại và quan hệ kinh tế cùng có lợi cũng như sự gia tăng dòng vốn đầu tư giữa hai nước, là vô cùng quan trọng”, Tổng thống Putin nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn trước chuyến công du.

Theo dự kiến, chuyến công du Trung Quốc của ông Putin sẽ kéo dài trong hai ngày 20 - 21/5. Ảnh: Chinadaily

Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi tuyên bố của hai bên đều nhấn mạnh trọng tâm chuyến công du của Tổng thống Putin tới Trung Quốc là vấn đề năng lượng. Các chuyên gia dự đoán Nga sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thỏa thuận vận chuyển khí đốt từ vùng Siberia của Nga tới Trung Quốc để Mỹ và Tây Âu biết rằng Moscow có những đối tác năng lượng khác trên thế giới.

Theo thỏa thuận này, trong vòng 30 năm tới, Gazprom sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt hàng năm.

"Chúng tôi phải tìm một đối tác có thể mua khí đốt dài hạn. Đó là lý do tại sao vào thời điểm này Trung Quốc lại rất hấp dẫn chúng tôi”, ông Aleksandr Prosviryakov thuộc công ty quản lý tài sản Lakeshore nhấn mạnh.

Nếu Nga và Trung Quốc thông qua thỏa thuật khí đốt, nền kinh tế Nga sẽ không còn chịu ảnh hưởng nhiều từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngoài ra, các khoản đầu tư từ Trung Quốc sẽ giúp Nga tránh ảnh hưởng do các ngân hàng phương Tây quay lưng.  

Vì vậy, tờ Wall Street Journal nhận định rằng, cả Bắc Kinh và Moscow đều nhận ra những lợi thế của việc tăng cường hợp tác trong thời điểm này.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm