Trung Quốc mở chuỗi căn cứ hải quân ở nước ngoài
Việc cảng Gwadar của Pakistan chuyển sang cho công ty Trung Quốc kiểm soát đã gây ra một loạt ý kiến tiêu cực từ phía chuyên gia Ấn Độ, dù kế hoạch này đã có từ nhiều năm trước.
Ấn Độ lo ngại về việc hải quân Trung Quốc dần dần gia tăng hoạt động trong Ấn Độ Dương. Và chuyện các cảng của những nước như Pakistan hay Sri Lanka chuyển sang cho Trung Quốc quản lý được hiểu như là động thái bao vây Ấn Độ bằng chuỗi căn cứ quân sự của Trung Quốc. Ông Vasily Kashin - chuyên gia của Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga - cho rằng trên thực tế ít có khả năng các căn cứ quân sự cố định sẽ được lập ra ở đây.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các căn cứ bố trí tại các nước láng giềng của Ấn Độ sẽ gần như vô dụng trong cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Bị cách ly với đất liền, các căn cứ này sẽ nằm trong phạm vi tấn công của không quân và tên lửa hành trình của Ấn Độ, do đó sẽ nhanh chóng bị phá hủy.
Mặt khác, sự hiện diện của căn cứ quân sự lớn ở Pakistan sẽ biến Trung Quốc thành một con tin trong một nước không ổn định về chính trị.
Đồng thời, với sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ngày càng phát triển trên toàn cầu, sớm hay muộn sẽ nảy sinh vấn đề thành lập một cơ sở hạ tầng thích hợp. Ngay bây giờ, tàu của hải quân Trung Quốc đi tuần tra chống cướp biển ngoài khơi Somalia đang tích cực sử dụng các cảng của Oman, Yemen và Djibouti. Thành phần của mỗi đội tàu Trung Quốc đi chống hải tặc trên bờ biển Somali đều bao gồm tàu vận chuyển hậu cần. Thông thường, tàu này vận chuyển nhiên liệu tiếp tế và vật tư khác từ các cảng địa phương, sau đó đưa chúng ra biển chuyển cho tàu chiến. Hải quân Trung Quốc rất chú trọng đến tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm và nước uống trên vùng biển rộng.
Năm 2011, Chính phủ Seychelles trực tiếp kêu gọi Trung Quốc lập ra căn cứ quân sự cố định trên quần đảo. Đáp lại, Bộ quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh rằng căn cứ sẽ không được thành lập, để không gây hại cho môi trường độc đáo của quần đảo. Mặc dù một số chuyên gia quân sự Trung Quốc - như Đô đốc Wu Shengli - kêu gọi trực tiếp thành lập căn cứ quân sự nước ngoài để hỗ trợ hoạt động của hạm đội nhưng Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Trung Quốc luôn luôn phủ nhận sự tồn tại của kế hoạch đó. Đồng thời, không loại trừ khả năng thành lập một số điểm cung cấp nước ngoài mà không có sự triển khai quân đội trên lãnh thổ của các nước khác.
Như vậy, có thể giả định rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ cách tiếp cận theo từng giai đoạn để lập ra cơ sở hạ tầng hiện diện quân sự toàn cầu. Ban đầu, có lẽ sẽ sử dụng hình thức phát triển cơ sở hạ tầng hải quân ở nước ngoài mà Liên Xô trước đây đã thử nghiệm là tạo các điểm dịch vụ hậu cần. Một ví dụ về đối tượng tương tự như vậy có thể được coi là cứ điểm của Nga tại thành phố Tartous của Syria. Cứ điểm là một vài kho hàng, xưởng trên bãi biển, bến tàu để tàu biển có thể cập cảng sửa chữa. Việc lập ra các cứ điểm như vậy có thể tránh thu hút quá nhiều sự chú ý và tố cáo tư tưởng bành trướng.
Theo Lao Động