Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc mất đà tăng trưởng

Số liệu chính thức công bố vào hôm 19/1 cho thấy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2015 đang ở mức chậm nhất kể từ năm 1990.

2015 là năm Trung Quốc đoạn tuyệt với các mô hình tăng trưởng cũ. Ảnh: Getty

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, năm 2015, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt 6,9%, thấp hơn so với mức 7,3% được dự báo vào năm 2014. Điều này chứng tỏ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang mất đà trong sự phát triển.

Số liệu mà Trung Quốc công bố trùng với dự đoán về mức tăng trung bình của 15 nhà kinh tế tham gia khảo sát với Wall Street Journal.

Cơ quan này cho hay, tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc trong quý IV của năm 2015 chỉ đạt 6,8%, giảm từ 6,9% trong quý III. Tăng trưởng GDP trong quý cuối cùng của năm cũng chỉ đạt 1,6%, thấp hơn 0,2% so với quý trước.

Theo Bloomberg, kết quả này phù hợp với mục tiêu tăng trưởng chính thức của Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngờ độ tin cậy của dữ liệu mà quốc gia đông dân nhất thế giới công bố. Tuy nhiên, những con số cho thấy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm hơn. 

Tình trạng này và sự quản lý của Bắc Kinh cùng những quan ngại về giá dầu và hàng hoá đã ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ đầu năm 2016.

Dù thất bại trên sàn chứng khoán, Trung Quốc nỗ lực tăng dự trữ đồng nhân dân tệ, thành lập một ngân hàng phát triển đa phương mới cũng như chú trọng hơn tới lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng.

"2015 là một bước ngoặt trong sự phát triển của Trung Quốc. Nó đại diện cho năm mà quốc gia này đoạn tuyệt với các mô hình tăng trưởng cũ", James Laurenceson, phó giám đốc Học viện Quan hệ Australia – Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, nhận định.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 12/2015 tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2014 trong khi giới phân tích dự đoán mức tăng trung bình là 6%. Doanh số bán lẻ tăng 11,1% so với năm 2014 trong khi các nhà kinh tế dự báo con số này là 11,3%.

Đầu tư vào tài sản cố định gồm các khu vực nông thôn tăng 10%, ít hơn dự đoán 10,2%.

Lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Getty

Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với 2 tốc độ. Các lĩnh vực công nghiệp như thép và xi măng đang giảm lượng tiêu thụ trong khi lĩnh vực dịch vụ và công nghệ khởi sắc.

Hôm 17/1, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng sự chuyển dịch về cơ cấu đang diễn ra. Năm ngoái, lĩnh vực dịch vụ chiếm 1/2 tỷ trọng trong nền kinh tế. Đó là lần đầu tiên Trung Quốc đạt dấu mốc quan trọng kể từ khi đất nước mở cửa với thế giới bên ngoài vào cuối những năm 1970.

“Dù nhiều sự việc xảy ra, Trung Quốc vẫn đóng góp 40% vào tổng tăng trưởng thế giới, và sẽ tiếp tục đạt được điều này vào năm nay”, Kenneth Courtis, chủ tịch của Starfort Holdings, nói.

Cổ phiếu lao dốc

Cổ phiếu lao dốc trong những tuần đầu tiên của năm nay khi ngân hàng trung ương của Trung Quốc khiến đồng nhân dân tệ tiếp tục xuống giá, làm thị trường dao động.

Chính phủ nỗ lực ngăn các nhà đầu cơ bằng cách thắt chặt việc cung cấp nhân dân tệ tại các thị trường nước ngoài với những thay đổi trong quy định. Sự can thiệp đó đẩy lãi suất liên ngân hàng nhân dân tệ tại Hồng Kông lên mức cao kỷ lục.

Các nhà hoạch định chính sách đang cố ngăn dòng chảy của vốn ra bên ngoài đất nước. Thực trạng đó khiến quỹ dự trữ ngoại tệ giảm lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ năm 1992, chấm dứt đà tăng từ thời kỳ chủ tịch Đặng Tiểu Bình và tăng tốc dưới thời chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Chính sách đối phó với thực trạng này chậm lại vào cuối năm ngoái, bao gồm tăng tốc việc nới lỏng tiền tệ với 6 lần giảm lãi suất kể từ cuối năm 2014, tăng chi tiêu tài chính và hoán đổi nợ phức tạp để các chính quyền địa phương có thể vay với lãi suất thấp hơn. Trong thời kỳ khó khăn, ngân hàng trung ương thả nổi lãi suất bằng việc bỏ mức trần đối với lãi suất tiết kiệm và giành được sự ủng hộ của IMF đối với việc đưa đồng nhân dân tệ vào rổ dự trữ tiền tệ

Các tác nhân của thị trường

“Khi chúng ta nhìn lại năm 2015, nó sẽ là năm đánh dấu các tác nhân của thị trường bắt đầu tác động rõ rệt lên hệ thống tài chính của Trung Quốc. Thật là mỉa mai dù trên thực tế, các nhà quản lý đã cố gắng kiểm soát kết quả trong một nỗ lực mạnh mẽ hơn trước đây”, Andrew Polk, một nhà kinh tế của Conference Board tại thành phố Bắc Kinh, nói.

Năm nay, sự chú ý có thể chuyển sang một trọng tâm mới trong cải cách về phía cung như giảm công suất công nghiệp dư và lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, giảm thuế và tăng năng suất. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phải vật lộn với những món nợ từ quá khứ, thứ hạn chế các lựa chọn trong chính sách của họ.

“Không quốc gia nào phải đối mặt với những thách thức về cơ cấu khó khăn như vậy. Biến động có thể xảy ra nhưng triển vọng dài hạn của Trung Quốc vẫn khả quan. Lợi ích ngắn hạn của nước này đang chịu nhiều tổn thương vì lợi ích lâu dài”, Stephen Jen, đồng sáng lập ra quỹ đầu cơ SLJ Macro Parters LLP trụ sở tại London, nói.


Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm