Thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung Việt Nam tiếp tục lao dốc với đa số cổ phiếu lớn nhỏ giảm giá mạnh sau khởi đầu không mấy suôn sẻ trong 2 tuần đầu tiên của năm mới 2016. Sau hai tuần đầu năm mới giảm điểm, vốn hóa toàn thị trường giảm khoảng 3,4 tỷ USD, ngày đầu tiên của tuần thứ 3, chứng khoán tiếp tục lao dốc.
Rớt hơn 9%
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, 18/1/2016, TTCK tiếp tục chứng kiến hàng loạt các cổ phiếu lớn nhỏ giảm giá mạnh. Trong phiên VN-Index có lúc giảm gần 25 điểm (-4,4%) trước khi đóng cửa giảm 16,67 điểm (-3,07%) xuống 526,37 điểm.
Chỉ số HNX-Index của Sàn chứng khoán Hà Nội giảm 2,13 điểm (-2,82%) xuống còn 73,26 điểm.
Trước đó, TTCK đã giảm 8 trong 10 phiên trong 2 tuần đầu năm mới 2016. Khiến ngay trong tuần đầu tiên, TTCK bốc hơi 2 tỷ USD và được xem là một trong những tuần đầu năm giảm giá lớn nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.
Thị trường chứng khoán thế giới trong đó có Việt Nam trải qua một thời kỳ khá đen tối. |
Trong tuần thứ 2, TTCK Việt Nam tiếp tục giảm điểm. Theo số liệu của CTCK Sài Gòn (SSI), tới cuối 2015, 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội có tổng cộng 685 mã cổ phiếu với tổng vốn hóa 1.299 ngàn tỷ đồng. Tới cuối tuần qua (hết ngày 15/1), tổng vốn hóa trên 2 sàn chỉ còn 1.222 ngàn tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong 2 tuần đầu năm, vốn hóa trên 2 sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đã giảm tổng cộng gần 77 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,4 tỷ USD. Đó là chưa tính tới phiên giảm khoảng 3% trong phiên giao dịch ngày 18/1.
Phiên giao dịch ngày 18/1 - phiên đầu tiên trong tuần thứ 3, chứng khoán giảm sâu có lúc mất tới 4,4%. Theo đó đã có hàng chục ngàn tỷ tương đương cả tỷ USD đã tiếp tục bốc hơi.
Trong phiên giao dịch 18/1, nhiều cổ phiếu lớn đã giảm sàn trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch. BID của Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) giảm sàn xuống 16.600 đồng/cp. Hồi giữa tháng 9 năm ngoái, BIDV vẫn có giá trên 28.000 đồng/cp.
GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGas giảm sàn xuống 31.900 đồng/cp. Trước đó một năm, cổ phiếu này còn ở mức 80.000 đồng/cp.
Nhiều cổ phiếu giảm mạnh khác gồm có: VCB của Vietcombank, CTG của Vietinbank, BVH của Tập đoàn Bảo Việt, FPT của Tập đoàn FPT.
VN-Index xuyên thủng ngưỡng 530 điểm. |
Những thách thức
Hai tuần giảm liên tiếp cùng với diễn biến của phiên ngày 18/1 đã khiến VN-Index xuyên thủng ngưỡng 530 điểm. Nhiều thời điểm trong phiên, vùng hỗ trợ ngắn hạn 520 điểm cũng đã bị xuyên thủng.
Mặc dù giá cổ phiếu giảm mạnh, nhiều mã giảm hàng chục phần trăm trong một thời gian ngắn nhưng lực cầu bắt đáy vẫn khá thấp. Trong khi đó nỗi lo về áp lực giải chấp tăng vọt.
Trong vài tuần qua, TTCK dồn dập đón nhận các thông tin phức tạp như một sự thách thức. Diễn biến nóng lạnh trên thị trường tài chính Trung Quốc ngay trong những ngày đầu năm mới đe dọa các TTCK thế giới, không chỉ ở châu Á mà bao gồm cả Mỹ và châu Âu.
Thị trường còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và biến động khó lường. Giá dầu thô thế giới trong 2 tuần đầu năm mới giảm ở mức chưa từng có trong hàng chục năm qua.
Trên thị trường châu Á sáng 18/1, giá dầu có lúc đã xuống dưới ngường 28 USD/thùng, giảm tới hơn 24% so với mức giá 37 USD/thùng cuối 2015. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang bị chia rẽ và đứng trước nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng nội bộ tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua.
Nhiều nước muốn cắt giảm sản lượng, từ bỏ cuộc chiến dầu khí do Saudi Arabia dẫn đầu nhắm vào các nước không thuộc OPEC. Tuyên bố tăng sản lượng thêm 500 ngàn thùng lên 3,5 triệu thùng dầu/ngày của Iran sau khi Mỹ và EU dỡ bỏ trừng phạt cũng khiến thị trường biến động khó lường.
Mục tiêu tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thêm 1% lên mức 3,3% vào năm 2018 cũng khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo. Giới đầu tư lo ngại không biết nếu USD tăng mạnh thì dòng vốn trên thế giới sẽ được rút về nhiều hay ít, tác động có xấu như cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 hay không. Tỷ giá trong nước biến động mạnh và lãi suất có dấu hiệu tăng.
Theo đánh giá của nhiều CTCK, 520 điểm được coi là một ngưỡng hỗ trợ trong ngắn hạn. Đây là vùng đáy được xác lập trong cả hai năm 2014 và 2015. Trong giai đoạn này, TTCK đã trải qua nhiều biến cố, trong đó có sự kiện Biển Đông. Tuy nhiên, VN-Index thường bật tăng trở lại rất nhanh với sức cầu bắt đáy lớn.
Trong năm 2015, VN-Index đã có 2 lần giảm trên 5%: một phiên vào ngày 24/8 sau khi chứng khoán Trung Quốc đóng cửa giảm 8,5% và một phiên giảm 5,9% hôm 8/5 do tác động từ sự kiện Biển Đông. Khoảng 20 lần giảm điểm ở mức trên 5% khác diễn ra trong năm 2011.