Theo South China Morning Post, chính quyền Trung Quốc coi ngăn chặn rủi ro nợ tiềm ẩn của các địa phương là một "quy tắc, kỷ luật chính trị quan trọng". Bắc Kinh có thể lên kế hoạch áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn để tháo gỡ "bom nợ" và giảm mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giơi.
Trong thông báo mới, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc về cải cách quản lý ngân sách cam kết tiêu chuẩn hóa chi tiêu của chính phủ, ưu tiên phòng ngừa rủi ro.
Theo đó, các lãnh đạo địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm đến cuối đời, nếu nợ phát sinh trong nhiệm kỳ của họ bị phát hiện có vấn đề. "Chúng ta phải xử lý tốt những khoản nợ hiện có. Và chúng ta không được phép có các dự án mới có thể phát sinh nợ tiềm ẩn", chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh.
Các khoản nợ của nhiều chính quyền địa phương Trung Quốc đang ở mức đáng báo động. Ảnh: Shutterstock. |
Nợ phình to
Theo thống kê chính thức, nợ công của Trung Quốc tăng 7,3% lên 45,6% GDP trong năm ngoái. Tỷ lệ nợ của chính phủ trung ương và chính quyền địa phương lần lượt là 20% GDP và 25,6% GDP. Thanh Hải và Quý Châu là hai tỉnh có tỷ lệ nợ vượt qua mức cảnh báo quốc tế 60%, lần lượt là 81,7% và 61,6%.
Tỷ lệ nợ của các chính quyền địa phương được xem là một chỉ số rất quan trọng. Nhiều khoản nợ khổng lồ nằm tại những doanh nghiệp nhà nước, công ty tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) và các dự án hợp tác công tư.
Hồi năm 2018, Bộ Tài chính Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng về nợ công ngoài ngân sách. Cơ quan này ra lệnh không được phép tăng nợ quá mức năm đó. Tuy nhiên, theo giới quan sát, tổng nợ thực tế được cho là lớn hơn nhiều so với các số liệu được công khai.
Trong thông tư mới, Quốc vụ viện Trung Quốc cấm các địa phương vay nợ trái phép thông qua tập đoàn và tổ chức tài chính. Trong khi đó, các LGFV sẽ bị cấm cung cấp vốn cho chính quyền địa phương. Những LGFV hoạt động kém có thể được tái cơ cấu và thậm chí thanh lý.
"Chúng ta cần kết hợp giữa phát triển và an toàn, các mục tiêu trước mắt và dài hạn, và nói không với những lời hứa hão huyền", thông tư nhấn mạnh.
Các chính sách quan trọng hoặc dự án đầu tư được tài trợ bằng tiền công cũng phải trải qua đánh giá "độ bền tài khóa", theo thông tư. Chính quyền địa phương được yêu cầu lập kế hoạch ngân sách tài khóa trung và dài hạn nhằm minh bạch khả năng tài khóa và rủi ro.
Bom nợ của Trung Quốc được hình thành sau hơn một thập kỷ đẩy mạnh đầu tư, bắt đầu từ gói kích thích 4.000 tỷ NDT hồi năm 2008 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tình trạng báo động
Bộ Tài chính Trung Quốc thừa nhận rằng có những rủi ro trong hoạt động tài khóa cơ bản, nợ chính quyền địa phương, an sinh xã hội và lĩnh vực tài chính. Chính phủ Trung Quốc đã giảm tỷ lệ thâm hụt tài khóa và chi tiêu công trong năm nay nhằm đảm bảo tính bền vững tài khóa.
Chính phủ trung ương từ lâu đã nhấn mạnh rằng họ sẽ không cứu trợ các địa phương nợ đầm đìa do chi tiêu quá tay. Bắc Kinh cũng đang đưa ra một loạt tham số, chủ yếu liên quan đến tỷ lệ nợ, để giảm rủi ro.
Theo ước tính của hãng nghiên cứu Zhongtai Securities, tỷ lệ dư nợ trên doanh thu tài khóa - thước đo khả năng trả nợ - ở mức trung bình toàn quốc là 97% vào năm ngoái và có thể vượt qua ngưỡng cảnh báo 100% trong năm 2021.
Hồi chuông cảnh báo được gióng lên với 17 trong số 31 khu vực pháp lý cấp tỉnh của Trung Quốc, bao gồm Thiên Tân với tỷ lệ năm 2020 là 183,5%.
Khi nền kinh tế phát đi những dấu hiệu phục hồi, cần ngăn chặn tình trạng phụ thuộc quá lớn vào vay nợ và khiến rủi ro nợ càng thêm trầm trọng
Chuyên gia Xue Xiaogan thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc
Chính quyền trung ương cũng đã giảm hạn ngạch phát hành trái phiếu mục đích đặc biệt của chính quyền địa phương từ 3.750 tỷ NDT vào năm ngoái xuống 3.650 tỷ NDT (557 tỷ USD).
Đây là những trái phiếu cấp vốn cho các dự án của chính quyền địa phương. Theo chuyên gia Xue Xiaogan - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Nợ công của Bộ Tài chính Trung Quốc - khi nền kinh tế phát đi những dấu hiệu phục hồi, cần ngăn chặn tình trạng phụ thuộc quá lớn vào vay nợ và khiến rủi ro nợ càng thêm trầm trọng.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã tăng phát hành trái phiếu mục đích đặc biệt ở cả cấp trung ương và địa phương. Tổng quy mô tăng từ 3.500 tỷ NDT (542 tỷ USD) năm 2019 lên 3.750 tỷ NDT (580,5 tỷ USD) năm 2020. Điều này đi ngược với chủ trương cắt giảm nợ công của chính quyền Trung Quốc trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2020 chỉ tăng 3,4% so với 3,3% của năm 2019. Điều đó cho thấy gánh nặng nợ tăng lên nhưng không thể bù đắp sự sụt giảm trong đầu tư tài sản cố định.
Hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu của các công ty quốc doanh Trung Quốc cũng phơi bày rủi ro nợ - mối đe dọa lớn đối với triển vọng của kinh tế Trung Quốc. "Nếu tiếp tục phát hành trái phiếu với quy mô như năm 2020, chúng ta có thể bước vào vùng báo động rủi ro trong năm 2021", ông Xue nhấn mạnh.