Trung Quốc lên cơn 'đói cá'
Ở các vùng biển thuộc châu Á, tàu cá trở thành công cụ tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) nhận định: "Cơn đói cá ngày càng trầm trọng của Trung Quốc đang thử thách quan hệ với nhiều nước trên thế giới, đồng thời đội tàu cá khổng lồ của nước này khiến giới khoa học lo lắng các ngư trường trên toàn cầu sẽ bị hủy hoại".
Số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc, nước tiêu thụ hải sản lớn nhất thế giới, sẽ sản xuất hơn 60 triệu tấn hải sản vào năm 2015 so với 53,7 triệu tấn của cả 2 năm trước. Nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Theo ước tính của ngân hàng đầu tư Rabobank, giá trị hải sản nhập khẩu Trung Quốc sẽ đạt 20 tỷ USD vào cuối thập niên này so với khoảng 8 tỷ USD hiện nay.
Bắc Kinh đã lên nhiều kế hoạch để mở rộng đội tàu cá nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ trên, tăng số tàu đánh bắt xa bờ lên khoảng 2.300 chiếc vào cuối năm 2015, tăng 16% so với năm 2010. Trong khi đó, đội tàu đánh bắt xa bờ của Mỹ chỉ khoảng 200 chiếc.
Tàu cá Trung Quốc ồ ạt ra khơi từ cảng ở Chiết Giang. Ảnh: AP PHOTO. |
Đáng buồn là cơn "đói cá" của Trung Quốc bùng phát giữa lúc 87% ngư trường trên thế giới đã chạm mốc khai thác tối đa hoặc cạn kiệt, theo Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO).
Dù đã đặt bút ký nhiều thỏa thuận đánh bắt cá ở các vùng biển quốc tế nhưng Trung Quốc thường xuyên “nói bớt” về sản lượng khai thác. Chẳng hạn, theo Ủy ban châu Âu (EC), Trung Quốc chỉ báo cáo đã đánh bắt 368.000 tấn tại các ngư trường khơi xa trong 2 năm 2010 - 2011 nhưng con số thật sự có thể lên tới... 4,6 triệu tấn.
Các vùng biển lân cận, như gần Triều Tiên, Indonesia và Myanmar, hết dần cá khiến tàu Trung Quốc càng đi xa hơn, tập trung nhiều nhất ở châu Phi, nơi mà chính quyền nhiều nước không đủ lực để kiểm soát vùng biển của mình. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết sản lượng đánh bắt ở Tây Phi năm 2011 đã tăng 14% so với năm 2010.
Tình hình càng tệ hơn khi chính quyền Bắc Kinh không nắm được toàn bộ tàu cá trong nước. Bà Tabitha Grace Mallory, chuyên gia của Trường Johns Hopkins, nhận xét: “Một trong những vấn đề lớn của Trung Quốc là không đủ năng lực kiểm soát các công ty ngư nghiệp tư nhân bất tuân pháp luật”. Hệ quả, tàu cá Trung Quốc vướng vào các vụ tranh chấp thương mại và đánh bắt trái phép ngày càng nhiều.
Không chỉ vậy, tại các vùng biển châu Á, tàu cá còn là công cụ tranh giành chủ quyền của Trung Quốc. Trong năm 2012, tàu cá Trung Quốc, với sự hộ tống của tàu công vụ thuộc 5 cơ quan đảm trách an ninh hàng hải, liên tục lởn vởn quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, làm đứt cáp thăm dò của tàu Việt Nam...
Hàn Quốc bắt 21 tàu cá Trung Quốc
Lực lượng phòng vệ bờ biển Hàn Quốc đã bắt giữ 21 tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trong lãnh hải nước này trong một chiến dịch tăng cường trấn áp kéo dài từ ngày 26 đến 28/12 ở Hoàng Hải. 30 tàu, trực thăng và nhiều cảnh sát biển Hàn Quốc đã được phái đến các khu vực mà ngư dân Trung Quốc thường đánh cá trái phép, tập trung vào bờ biển từ Taean đến đảo Jeju. Theo Yonhap, đích thân Giám đốc Sở Cảnh sát biển Tây Hàn Quốc Kim Su-hyun lên tàu cùng các cảnh sát truy đuổi tàu Trung Quốc. Trước đó, Hàn Quốc đã bắt nhiều tàu cá Trung Quốc, phạt tiền tổng cộng lên đến 2,35 tỷ won (2,2 triệu USD) nhưng vẫn không dẹp được hoàn toàn nạn đánh bắt chui. Khoảng 200.000 tàu cá của Trung Quốc được cho là đang hoạt động trái phép trong vùng biển Hàn Quốc, trong khi chỉ có 1.762 tàu được cấp phép. |
Theo Người lao động