Bi kịch tại làng quê Trung Quốc: Tiền đi liền cái chết
Tại một huyện thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vòng xoáy của hoạt động cho vay nặng lãi diễn ra mạnh mẽ đã cướp đi mạng sống của ít nhất 30 người, đẩy nhiều gia đình khác lâm vào bi kịch. Đáng ngại, xu hướng này đã tàn phá sự bình yên tại nhiều làng quê trong huyện vài năm qua mà không bị ngăn chặn.
Vay nặng lãi tàn phá miền quê Trung Quốc
Một công nhân làm việc tại một dự án xây dựng tại huyện Zouping, tỉnh Sơn Đông, nơi vòng xoáy của hoạt động cho vay nặng lãi đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 30 người. |
Theo kết quả một cuộc điều tra của báo Phương Nam hàng tuần, một số trọc phú địa phương muốn làm giàu nhanh hơn nữa đã biến mình thành kẻ cho vay nóng, vay nặng lãi. Khoản lãi suất của họ cao hơn gấp nhiều lần so với ngân hàng.
Xu hướng cho vay nặng lãi bắt đầu nổi lên và hoạt động mạnh mẽ kể từ năm 2010 khi một vài doanh nghiệp ở nơi khác đổ tới huyện Zouping, tỉnh Sơn Đông với các dự án đầy hứa hẹn.
Cụ thể, sau khi điều tra, Thời báo Tế Nam tiết lộ, một người đàn ông tên là He Changhe, người gốc ở Wenzhou, tỉnh Chiết Giang, bắt tay xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc cuối năm 2010 và kêu gọi vay vốn với mức lãi suất cao vọt 20%. Không ít người dân địa phương hám lợi, nuôi giấc mộng làm giàu trong vòng một đêm đã gom toàn bộ số tiền họ có để cho ông He vay. Thậm chí, nhiều người còn cầm cố nhà cửa và tài sản có giá trị để gom càng nhiều tiền càng tốt rồi cho vay để mong thu được nhiều lãi hơn.
Tuy nhiên sau đó, các khoản vay kia, lại tiếp tục được tái cho vay ở nơi khác bởi những người khác với lãi suất cao hơn với công thức tiền đẻ ra tiền. Rồi đến một mức độ nhất định, bong bóng cho vay nặng lãi và lãi suất cao bất ngờ vỡ tan kéo theo sự sụp đổ của nhiều người.
Li Banghe, một cư dân địa phương làm việc tại một mỏ than cho biết, ở một số làng trong huyện, gần như các gia đình đều tham gia vào mạng lưới cho vay nặng lãi. “Thậm chí, nhiều cán bộ, viên chức cảnh sát và các doanh nghiệp tại địa phương cũng dính líu đến hoạt động cho vay nặng lãi”, Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Li.
Ngoài ra, ông Li còn cho biết, các thủ tục giấy tờ liên quan đến các khoản vay nặng lãi chỉ bao gồm một mảnh giấy có nội dung sơ sài, còn lại, phụ thuộc vào các giao kèo miệng giữa người đi vay và kẻ cho vay. Người dân trong vùng không chỉ bị lãi suất cao làm cho mù quáng mà còn bị đánh lừa khi thấy nhiều chức sắc, trong đó bao gồm cả công an ở trong huyện cũng cho vay nặng lãi.
“Quá dễ dàng để trở nên giàu có nhờ cho vay nặng lãi, vì thế nhiều người hám lợi, điên cuồng lao vào hoạt động này. Thông thường, do có tính rủi ro cao, các ngân hàng thường không muốn hoặc rất khó tính để cho các doanh nghiệp, các công ty nhỏ vay tiền. Do đó, bắt buộc các công ty, doanh nghiệp này phải đi vay ngoài với mức lãi suất cao chót vót. Và người dân bị khoản lợi nhuận kếch xù từ việc cho vay lãi làm cho mờ mắt”, ông Zhang Quan, một nhà nghiên cứu công tác tại Học viện Tài chính Qilu, Tế Nam cho biết.
Bi kịch nối tiếp bi kịch
Tại làng Huopo, một làng khác cũng thuộc thị trấn Sunzhen, huyện Zouping có 1.700 dân, 80% các hộ gia đình đã mất tất cả của cải trong cơn sốt cho vay nặng lãi. Theo Thời báo Tế Nam, có thể tổng số tiền cho vay nặng lãi ở huyện Zouping đã nhảy vọt lên mức 100 tỷ nhân dân tệ.
Nhiều gia đình khốn đốn, lao đao trong nợ nần. Theo Thời báo Hoàn cầu, tính đến nay đã có ít nhất 30 người dân ở huyện Zouping mất mạng vì vay và cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, giới chức huyện đã yêu cầu người dân trong làng phải giữ bí mật chuyện, không được hé lộ bất cứ tin tức nào về hoạt động này ra bên ngoài.
Đáng chú ý, tháng 10 năm nay, một trưởng thôn tên là Liu Bin đã sát hại cảnh sát trẻ Huang Sheng, 23 tuổi, người gốc Xuzhou, tỉnh Giang Tô để ngăn anh điều tra một vụ việc liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi ở địa phương.
Ngoài ra, tờ báo cũng dẫn một câu chuyện khác về trường hợp của ông Liu Dapeng, một nhà đầu tư địa phương. Năm 2011, ông Liu đã vay nóng 4 triệu nhân dân tệ với lãi suất 12% để làm ăn. Vì lãi suất quá cao, số tiền ông Liu làm ra không đủ trả lãi và cuối cùng phá sản cuối năm đó. Liu bỏ trốn để tránh bị đòi nợ. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, ông bị các chủ nợ tìm thấy, bắt giữ và đánh đập, tra tấn cho đến chết.
Tiền đã cướp đi sự yên bình của một vùng quê Trung Quốc và khiến nhiều người, nhiều gia đình ở đây lâm vào cảnh điêu đứng. |
Tiền để làm gì khi mà người ta không còn sống trên đời này nữa? Đó không phải là một câu hỏi mà là lời than trách của một phụ nữ 54 tuổi họ Zhang, người đã mất đi cậu con trai cả vào cuối tháng 4 năm nay. Cái chết của anh này cũng dính dáng đến đường dây cho vay nặng lãi trong vùng.
Người mẹ mất con ban đầu sống ở làng Zhoujiacun cùng chồng và hai con trai trước khi chuyển đến trung tâm huyện Zouping, thị trấn Sunzhen vào năm 2006. Tại đây, họ bắt đầu mở công ty bán xe hơi cũ và dịch vụ cho thuê xe ô tô. Đầu năm 2012, người phụ nữ họ Zhang trở thành bà nội khi cả hai cậu con trai đều sinh cho bà hai đứa cháu bụ bẫm, đáng yêu.
Tuy nhiên, hạnh phúc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi khi tai ương bắt đầu ập xuống gia đình họ. Căn nguyên của bi kịch bắt đầu khi cậu con trai cả tên là Zhu Bao đã giấu gia đình tham gia vào một mạng lưới cho vay nặng lãi kể từ năm 2011, cùng với người anh em họ Zhu Meng.
Hai anh em và 2 người khác đã hùn tiền để cho vay 4 triệu nhân dân tệ (641.500 USD) với lãi suất cao. Trong đó, anh em nhà họ Zhu bỏ vốn nhiều nhất. Tuy nhiên, không may, con nợ đã bỏ trốn khỏi địa phương và bặt vô âm tín từ đầu năm 2012. Một cuộc xung đột gay gắt giữa 4 kẻ cho vay nặng lãi bắt đầu nổ ra. Họ cãi nhau và xung đột xoay quanh vấn đề bán ngôi nhà – tài sản thế chấp vay tiền mà con nợ để lại và tỷ lệ phân chia số tiền bán bất động sản này.
Hai ngày sau, giữa lúc nửa đêm, Zhu Bao gọi điện về cho gia đình cầu cứu. Lúc đó, anh ta đang bị 3 chiếc xe chở theo khoảng chục người truy đuổi. Trên đường chạy trốn, chiếc xe chở Zhu Bao và người em họ đâm vào một chiếc xe tải. Hậu quả, hai kẻ cho vay nặng lãi đều chết ngay tại chỗ.
Khi mất, Zhu Bao mới có cô con gái 2 tháng tuổi còn Zhu Meng mới kết hôn được 20 ngày.
“Tôi đau đớn và hối hận vì không sớm phát hiện ra việc làm của chúng để ngăn chúng lại. Đây đúng là số mệnh”, bà Zhang nghẹn ngào trong tiếng khóc nấc vì thương nhớ con trai.
Phương Đăng
Theo Infonet