Tại hội thảo về công tác quản lý hoạt động thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu vùng xa... năm 2015 diễn ra sáng nay ở Hà Nội, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, phía Trung Quốc luôn linh hoạt trong điều tiết hàng xuất khẩu, hàng của Việt Nam qua các lối mở, điểm thông quan qua các mốc mới.
Trong khi đó, việc cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua các khu vực đó sang Trung Quốc không hề thông thoáng. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu trong khu vực.
Có lúc hàng hóa không qua vì Trung Quốc điều tiết thị trường
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh. Trong năm 2015, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc qua địa bàn đạt gần 4 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Lãi suất nhập khẩu đạt 1,6 tỷ. Riêng nông sản xuất khẩu sang trung Quốc qua Lạng Sơn là 1 tỷ USD, chiếm 50% cả nước.
Hàng năm, nhiều hàng hóa nông sản của Việt Nam tắc nghẽn, ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: DNVN. |
Song theo ông Trưởng, cũng trong năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã bắt được 3.456 vụ gian lận thương mại, tương đương khoảng 99.000 tỷ đồng.
Ngoài hiện tượng gian lận thương mại, việc xuất nhập khẩu qua điểm này cũng gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt, cửa khẩu Tân Thanh năm nào cũng có hiện tượng ùn ứ do số lượng hàng đổ về quá lớn. Nhưng biên mãi sang Trung Quốc quá hạn hẹp. Họ chỉ điều tiết đề xuất chỉ qua cửa khẩu Tân Thanh.
"Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm như dưa hấu, thanh long, nhãn, xoài, chuối xanh... của Việt Nam lại chủ yếu xuất sang thị trường này. Riêng trong năm nay, lượng hàng nông sản xuất sang cực lớn: Dưa hấu là 200.000 tấn (21 triệu USD), thanh long khoảng 600.000 tấn (gần 400 triệu USD), vải thiều trên 200.000 tấn (120 triệu USD)... Đó là chưa kể mỗi ngày, cửa khẩu này xuất sang Trung Quốc khoảng 1.400-1.500 xe chuối xanh các loại", ông Trưởng cho hay.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, mỗi một cư dân bốc xếp hàng ở các khu cửa khẩu tỉnh có thu nhập một ngày lên tới 300.000-500.000 đồng thậm chí còn cao hơn. Thế nhưng Trung Quốc điều tiết thị trường khiến cho có thời điểm nhiều hàng hóa không được đi qua. Hệ quả kéo theo là nhiều lao động mất công ăn việc làm.
Đưa ra giải pháp về tình trạng này, ông Trưởng đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ mở thêm một đường xuất khẩu bên cạnh cửa khẩu Tân Thanh, tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng lớn như dưa hấu, thanh long, nhãn, xoài...
Hàng Việt bán ra khó, nhập vào dễ
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới đất liền đang biến động trái chiều giữa các tuyến biên giới.
Năm 2015, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới ước đạt 27,56 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2014. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc chiếm khoảng 85%, tuyên biên giới Việt – Lào chiếm khoảng 4%, Việt Nam – Campuchia là 11%.
Trong khi xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc tăng 10% so với năm 2014 thì lại giảm 26,6% tại tuyến Việt - Lào và chỉ tăng nhẹ 3% ở tuyến Việt Nam - Campuchia.
Quy mô thương mại biên giới Việt – Trung năm 2015 lớn hơn 2014. Xuất nhập khẩu đạt 5.842,3 triệu USD, tăng 10,1%. Trong đó xuất khẩu đạt 2.665,7 triệu USD, giảm 12,1%. Nhập khẩu đạt 3.176,6 triệu USD, tăng 40%. Các phương thức tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan đạt 17.380,4 triệu USD, tăng 47,1% so với năm 2014.
Hàng hóa xuất khẩu qua biên giới Việt – Trung Quốc chủ yếu 3 nhóm là nông, lâm, thủy hải sản; hàng công nghiệp chế biến; hàng hóa khoáng sản. Hàng hóa nhập khẩu gồm 2 nhóm chính là nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào cầ thiết cho sản xuất; máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Thời điểm hiện tại, trên 3 tuyến biên giới Việt Nam có tổng số 295 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 102 chợ, tuyến biên giới Việt Nam – Lào có 53 chợ, tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia có 140 chợ.
Song, tại tuyến biên giới Việt – Trung Quốc, tại một số cửa khẩu, lối mở biên giới, hàng hóa hợp pháp xuất xứ Việt Nam được mở tờ khai, làm thủ tục đầy đủ bên phía Việt Nam. Nhưng phía Trung Quốc yêu cầu chuyển tải sang xe biên mậu để đua sang Trung Quốc theo hình thức chợ biên giới, nhằm tận dụng chính sách ưu đãi 8.000 nhân dân tệ/người/ngày của Trung Quốc. Cách làm này gây chậm trễ, bất tiện cho thông quan hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.
Một số hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ như thanh long, dưa hấu tươi… khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc là theo hình thức đi chợ, tức doanh nghiệp bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc.
Việc hàng hóa ồ ạt chở lên biên giới khi vào vụ, khiến khả năng thông quan của cửa khẩu nhất thời không đáp ứng được, bị doanh nghiệp biên Trung Quốc lợi dụng ép giá, gây nên tình trạng ùn tắc tại khu cửa khẩu, làm thiệt hại về kinh tế, khiến dư luận bức xúc, ây áp lực cho các cơ quan quản lý.
Hiện nay, hoạt động tái xuất hàng hóa tại các cửa khẩu phụ, điểm thông quan nằm trong khu vực cửa khẩu đã được UBND tỉnh công bố gặp khó khăn, không thực hiện được do phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi địa điểm nhận hàng.