Trung Quốc lại chơi trò ú tim
Ngày 7/3, Tân Hoa xã đăng tải hình ảnh hệ thống phòng thủ tầm gần trên biển của Trung Quốc bao gồm trung tâm chỉ huy, các hệ thống phát hiện, thông tin, hệ thống đánh giá và hệ thống chiến đấu.
Hệ thống phòng thủ biển tầm xa của Trung Quốc tiết lộ năm 2010. |
Như Tân Hoa xã mô tả, với phạm vi tấn công từ tầm ngắn, tầm trung đến tầm xa, hệ thống vũ khí chiến đấu trong hệ thống trên đã đạt tới trình độ tác chiến phối hợp như một vũ khí đa chức năng. Hệ thống này còn có khả năng tấn công chính xác từ các bệ phóng của không quân, tàu ngầm, tàu chiến và trên bờ của Trung Quốc. Sơ đồ và thông tin này ngay sau đó đã được hàng loạt tờ báo chính thống của Trung Quốc đăng lại.
Giương đông kích tây
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an - nhận định đây chỉ là động thái dọa các nước khác, bởi đây là bí mật quốc gia thì không ai phơi bày dễ dàng như thế. Nhất là đối với Trung Quốc, họ ít khi công khai những thông tin này. Song trong thời điểm có thể nói là nhạy cảm khi kỳ họp quốc hội khóa 12 đang diễn ra ở Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã không ngần ngại đề cập việc tăng cường quốc phòng của nước này trong báo cáo chính phủ hôm 5/3.
Theo ông Cương, mục đích lần công bố sơ đồ phòng thủ này của Trung Quốc trước hết nhắm vào Mỹ, thậm chí là cả liên minh Mỹ - Nhật - Hàn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp đến để dọa và dồn nén các nước nhỏ có tranh chấp biển với mình, uy hiếp tinh thần và tạo ra tâm lý sợ gã khổng lồ đối với các nước xung quanh.
“Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược nửa thật nửa giả, giương đông kích tây. Sơ đồ mà họ vừa công bố không phải là con số không, trong đó sẽ có một phần là sự thật. Các địa điểm bố trí trong sơ đồ có thể một nửa là các cứ điểm thực tế trong hệ thống phòng thủ biển của họ. Song đây là một trò chơi ú tim của Trung Quốc và đều nằm trong chủ trương, chiến lược mới của chính quyền Bắc Kinh, nhất là trong thời điểm chuyển giao quyền lực. Cốt lõi nhằm đối phó, đương đầu với Mỹ, sau đó là Nhật Bản và cuối cùng là vấn đề biển Đông” - thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích.
Chống tàu sân bay
Hai năm trước, tại Hội chợ triển lãm hàng không quốc tế Trung Quốc lần 8 ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã tiết lộ hệ thống phòng thủ biển tầm xa của nước này và sơ đồ đó đã khiến thế giới chú ý. Thời Báo Hoàn Cầu cho biết hệ thống phòng thủ biển của Trung Quốc dùng để đối kháng với tàu sân bay, được ám chỉ là tàu sân bay của Mỹ. Hệ thống này bao gồm hệ thống khí tài quân sự tấn công từ trên bộ, trên biển, trên không và cả từ không gian nhằm tấn công trong trường hợp một nhóm tàu ngầm tấn công các đảo nhỏ ngoài khơi của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương.
Như mô tả của Thời Báo Hoàn Cầu, ba loại tên lửa do Trung Quốc sản xuất có thể phối hợp tấn công từ đất liền, trên không và dưới nước. Các loại tên lửa này sẽ được phóng đi từ vệ tinh không gian và các máy bay do thám không người lái (UAV) do Trung Quốc sản xuất. Nhiều đơn vị phòng thủ bờ biển của Trung Quốc còn được trang bị hệ thống tên lửa hành trình chống tàu YJ-62 trong năm 2013.
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời giới chuyên gia cho rằng những hệ thống phòng thủ biển do Trung Quốc tiết lộ hai năm trước hay mới công bố đều có mục đích nhắm tới các tàu sân bay của Mỹ, vốn thường xuyên có mặt ở khu vực tây Thái Bình Dương và vào gần đảo Okinawa của Nhật Bản, thậm chí ở eo biển của Đài Loan. Năm 1996, Mỹ đã gửi hai tàu sân bay đến tuần tra quanh đảo Đài Loan sau khi Trung Quốc thử tên lửa ở khu vực duyên hải và dọa sẽ tấn công Đài Loan.
Theo Tuổi Trẻ