Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc là nước lạm dụng thu thập dữ liệu khuôn mặt, vân tay nhất

Nhiều người Trung Quốc bắt đầu lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng lạm dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, nhưng chưa có luật nào để bảo vệ họ.

Bảo mật sinh trắc đã trở thành một hình thức quen thuộc tại Trung Quốc. Hàng ngày, người dân nước này liên tục sử dụng nhận dạng khuôn mặt cho hàng loạt dịch vụ trong cuộc sống. Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới, cách Trung Quốc ứng dụng bảo mật sinh trắc lại là tệ nhất trong 50 nước được phân tích.

Theo South China Morning Post, nghiên cứu của Comparitech tìm hiểu cách các quốc gia thu thập, sử dụng và lưu trữ dữ liệu sinh trắc. Trung Quốc đạt 24/25 điểm, đồng nghĩa mức gần tối đa về việc "sử dụng và xâm phạm các dữ liệu sinh trắc để theo dõi".

Các tiêu chí cụ thể được xét bao gồm cách quốc gia sử dụng dữ liệu sinh trắc để định danh và giao dịch ngân hàng, cũng như liệu quốc gia đó đã có các điều luật để bảo vệ dữ liệu chưa.

trung quoc thu thap du lieu ca nhan anh 1
Công nghệ nhận khuôn mặt được trưng bày tại hội thảo về AI tại Thượng Hải. Ảnh: Bloomberg.

Một số tiêu chí khác bao gồm độ lớn của kho dữ liệu, số lượng camera theo dõi khuôn mặt, liệu người nhập cảnh có bắt buộc phải cung cấp thông tin sinh trắc, hay các dữ liệu có sử dụng ở nơi làm việc hay không.

Trung Quốc luôn là nước đứng đầu trong các hạng mục, trừ hạng mục sử dụng dữ liệu sinh trắc để bỏ phiếu.

Gần đây, người Trung Quốc bắt đầu lo ngại về công nghệ nhận mặt khi các ứng dụng hẹn hò cũng bắt người dùng quét khuôn mặt. Thanh toán trên điện thoại, đi tàu điện ngầm, thậm chí là dùng giấy vệ sinh trong toilet công cộng, tất cả đều yêu cầu quét khuôn mặt. Kể từ tháng 12, người mua SIM tại Trung Quốc cũng phải quét khuôn mặt của mình, với lý do để tránh trộm cắp và giả thông tin.

Ngày càng nhiều người Trung Quốc - vốn chấp nhận rộng rãi công nghệ nhận dạng khuôn mặt và ít quan tâm đến quyền riêng tư - lên tiếng bày tỏ sự lo ngại khi camera có mặt ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm.

Đầu tháng 11, một giáo sư luật ở miền đông Trung Quốc kiện Công viên Safari Hàng Châu vì vi phạm thỏa thuận sử dụng sau khi họ thay thế hệ thống kiểm soát vào cổng dựa trên dấu vân tay bằng nhận dạng khuôn mặt

trung quoc thu thap du lieu ca nhan anh 2
Camera giám sát đặt tại một hội chợ công nghệ cao diễn ra ở Thâm Quyến. Ảnh: SCMP.

Camera còn được dùng để sàng lọc người vào ra khuôn viên làm việc, khu dân cư và ga tàu điện ngầm. Số lượng máy quay trong hệ thống CCTV ở Trung Quốc đã lên đến khoảng 200 triệu. Con số này được dự đoán tăng lên 626 triệu vào năm 2020.

Cảnh sát Trung Quốc cũng có kho dữ liệu DNA lớn nhất thế giới, theo Wall Street Journal.

Với quy mô thu thập dữ liệu quá lớn trong khi các biện pháp bảo vệ chưa đáp ứng được, việc lộ dữ liệu sinh trắc không quá bất ngờ. Vào tháng 9, truyền thông Trung Quốc đưa tin 170.000 dữ liệu khuôn mặt đã bị bán trên mạng.

Người bán cho biết dữ liệu này được thu thập từ các công cụ tìm kiếm hoặc kho dữ liệu của các công ty phần mềm. Tuần này, một bản tin khác cho biết 5.000 hình ảnh khuôn mặt đang bị bán với giá 2 USD tại Trung Quốc.

Trước việc thu thập khuôn mặt tràn lan, một số công ty đang phát triển các giải pháp để đánh lừa hệ thống nhận diện. Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang bắt tay để đưa ra tiêu chuẩn nhằm đảm bảo độ chính xác và an toàn của hệ thống nhận dạng.

Trung Quốc cũng đang xây dựng một bộ luật để bảo vệ dữ liệu sinh trắc, nhưng chưa biết bao giờ mới được áp dụng.

Người Trung Quốc sẽ nhận diện cá nhân bằng tĩnh mạch tay thay CMND Hiện các nhà khoa học Trung Quốc đang lên kế hoạch nhận dạng cá nhân qua hình tĩnh mạch tay để thay thế cho CMND và thẻ căn cước.

Người Trung Quốc bắt đầu sợ nhận dạng khuôn mặt

Một giáo sư luật ở Trung Quốc kiện vườn thú vì đổi hình thức vào cổng từ quét dấu vân tay sang nhận dạng khuôn mặt. Nhiều người bày tỏ sự lo ngại về quyền riêng tư.

Nhật Minh

Theo SCMP

Bạn có thể quan tâm